Thứ Ba, 6 tháng 11, 2007

TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN TRUNG ƯƠNG THỜI VUA LÊ - CHÚA TRỊNH

Nguyễn Minh Tuấn

Bài viết ngắn dưới đây giới thiệu những nét cơ bản nhất về tổ chức chính quyền trung ương thời Vua Lê - Chúa Trịnh như những định hướng ban đầu để khi có điều kiện, sinh viên tiếp tục nghiên cứu và tìm hiểu kĩ hơn.

------------


1. Về địa vị pháp lí của vua và chúa:

Bắt đầu từ năm 1600 trở đi, vua phong vương cho chúa. Vương ở đây không phải là vua, nó chỉ là một tước vị cao nhất vì trên danh nghĩa, chỉ có Hoàng đế mới được coi là vị vua độc tôn duy nhất và có niên hiệu, trong khi đó vương chỉ là bề tôi của nhà vua. Về hình thức cũng có sự phân biệt: vật tượng trưng cho uy quyền của vua là bảo ấn, bảo kiếm còn vật tượng trưng cho quyền hành của chúa Trịnh là chén ngọc và búa vàng được vua ban, về y phục thì y phục của vua màu vàng, của chúa là màu tía.

Sau này trong tất cả các bài chiếu lên ngôi của vua Lê đều có một kết luận: nhà vua kế thừa sự nghiệp của tổ tông, lên ngôi báu để gìn giữ tông miếu xã tắc, phát huy đức độ, thừa hưởng và bảo tồn uy phúc của tổ tiên. Còn việc trị quốc an dân, nhà vua hoàn toàn nhờ cậy Trịnh Vương.



2. Về lập pháp

Không chỉ có vua Lê mà cả chúa Trịnh cũng có quyền lập pháp. Nhà vua chỉ ban hành những văn bản có tính chất định khung, qui định những nguyên tắc chung, dưới hình thức dụ hay sắc dụ (nếu về vấn đề quan trọng) hoặc chỉ, chiếu. Chúa được ban hành Lệnh, lệ, dụ (nếu có tính chất ngăn cấm, khuyên bảo), chỉ hoặc chỉ truyền (về thể lệ, qui tắc hoạt động của các cơ quan nhà nước). Như vậy xét về tính chất văn bản pháp luật thời kì này cho ta thấy giữa chúng không có sự xung đột hay chồng chéo, sự phân định thẩm quyền đã tương đối rõ ràng, sự qui định như vậy cũng cho thấy rất rõ tính chất đế quyền của nhà vua, và tính chất thực quyền của chúa, hay nói cách khác nhà Lê trị vì và Chúa Nguyễn cai trị.

3. Về hành pháp



Ở trung ương, cơ quan hành chính cao nhất là Ngũ phủ (do các chức thự phủ và thự phủ sự họp lại) và phủ liêu gọi tắt là phủ chúa. Phủ chúa chia làm ba phiên, trông coi mọi việc quân sự, thu thuế trong kinh và ở các trấn; về sau lại đổi thành 6 phiên, nắm quyền chi phối mọi mặt hoạt động của nhà nước quân chủ.

Trong khi đó, triều đình vua Lê vẫn giữ nguyên hệ thống quan lại cũ, với các chức tam thái, tam thiếu và các thượng thư của 6 Bộ (Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công). Bên cạnh các Bộ, có ngự sử đài do các ngự sử phụ trách. Ngự sử đài có nhiệm vụ giám sát và thanh tra quan lại các cấp để tâu phủ chúa, quyết định việc thăng thưởng, đề bạt, kỷ luật, đồng thời ngự sử đài là cơ quan cao nhất xét xử các án kiện về tư pháp. Vào năm 1718, khi Trịnh Cương thiết lập ở phủ chúa các cơ quan tối cao tồn tại song song với các bộ gọi là phiên (6 phiên là: Lại, Bộ, Lễ, Binh, Hình, Công), các phiên nắm toàn bộ quyền hành, lục bộ chỉ là hư danh. Mỗi phiên có một tri phiên và một phó tri phiên. Về quan võ, có các chức quan đứng đầu 5 phủ, tức 5 cơ quan cai quản ở kinh thành (các quân trung, Đông, Tây, Nam, Bắc) gồm có Chưởng phủ sự, Quyền phủ sự, Thự phủ sự. Các chức này cùng với tham tụng, bồi tụng (còn gọi là quan phủ liêu) hợp thành ngũ phủ, ngũ liêu có quyền hành cao nhất do chúa Trịnh điều khiển.


4. Về tư pháp



Ngự sử đài là cơ quan xét xử phúc thẩm. Nếu đương sự vẫn còn chống án, thấy oan ức thì có quyền đề nghị Phủ chúa xét xử lại. Như vậy ngay cả lĩnh vực tư pháp cũng cho thấy tính chất thực quyền ở Phủ chúa, Phủ chúa sẽ là cơ quan có quyền xét xử cao nhất, giá trị xét xử Phủ chúa là giá trị chung thẩm.

Về quân sự, Chúa Trịnh thực sự là người tổng chỉ huy quân đội nắm toàn quyền về điều động tướng lĩnh, ấn định chính sách quốc phòng. Vua Lê chỉ đóng vai trò chủ toạ nghi lễ cho thêm phần trang trọng để động viên tinh thần quân sĩ, chứ thực sự quyền hành chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa. Chúa Trịnh là người đứng đầu quân đội trong cả nước, có quyền tuyển dụng, bổ nhiệm các tướng lĩnh, điều động quân đội, giữ gìn an ninh trật tự trong nước. 



Về tôn giáo, trong lĩnh vực này nhà vua vẫn là người đứng đầu bách thần trong cả nước, có toàn quyền phong sắc cho thần thánh, có quyền làm chủ lễ tế Nam Giao. Nhưng sau khi một vị thần được phong sắc và cho phép một xã nào đó được thờ phụng thì Phủ Chúa có quyền ban lệnh dụ cấp phát tiền cho xã đó và ra lệnh cho các quan địa phương kiểm soát việc thờ phụng theo đúng qui tắc của triều đình. Xét dưới góc độ tâm linh, có thể thấy đây vẫn là một lĩnh vực rất nhạy cảm, trong xã hội bấy giờ uy thế của nhà Lê trước nhân dân còn rất lớn, do vậy Chúa Trịnh đã không can thiệp nhiều vào vai trò của nhà vua trong lĩnh vực này.

5. Về tài chính , thuế khoá, ngoại giao

 
Trong cơ cấu của Lục phiên có Hộ Phiên là cơ quan được ra đời để trông coi việc thu thuế trong cả nước và việc chi tiêu của Phủ Liêu. Từ năm 1718, lúc này Phủ Liêu mới có được quyền ấn định mọi chi tiêu và chính sách tài chính quốc gia, trước đó tiền thu thuế phải nộp về cho Bộ Hộ và chịu sự kiểm soát của triều đình. Như vậy cho thấy, Chúa Trịnh từ năm 1718 đã nắm trọn quyền về tài chính, thuế khoá.

Như vậy, song song tồn tại bên cạnh triều đình của Vua lê là phủ chúa Trịnh. Nhà vua chỉ được hưởng các nghi thức đế vương khi thiết triều, ngoài ra không có quyền hành gì khác.


Đất nước được điều hành bởi bộ máy quân sự, mệnh lệnh của vua chỉ là hình thức, vua không có của cải...Hạn chế lớn nhất của mô hình này là phải dựa vào quân đội, vì vậy sụp đổ vì không có cơ sở kinh tế, xã hội để duy trì. 



6. Liên hệ, so sánh 

Tổ chức chính quyền thời Vua Lê – Chúa Trịnh có nhiều yếu tố tương đồng với Chính quyền Mạc Phủ ở Nhật Bản (Thế kỉ XII đến thế kỉ XIX). Sở dĩ gọi là chính quyền Mạc Phủ vì Mạc Phủ là Tổng hành dinh của Tướng quân, ban đầu được dùng để chỉ bộ máy chính quyền của Tướng quân. Dòng họ Minamôtô đã thành lập chính quyền riêng ở miền Đông Nhật Bản sau này năm 1192, Yôrimôtô người đứng đầu chính quyền này được Thiên Hoàng phong danh hiệu Tướng quân. Thực quyền nhà nước thời kỳ này nằm trong tay Tướng quân. 

Tuy nhiên nói đến nhà nước Nhật Bản thì bên cạnh những điểm tương đồng với các nhà nước Phương Đông lại có cả những yếu tố giống các nước Phương Tây mà các nhà nước Phương Đông khác không có đó là có sự tồn tại của các lãnh chúa và tình trạng phân quyền cát cứ. Tình trạng này tồn tại khi quyền lực của Thiên Hoàng bị một số dòng họ lớn thâu tóm, dần hình thành trạng thái phân quyền cát cứ của các lãnh chúa địa phương, tồn tại song song với chính quyền trung ương.