Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2008

CÂU HỎI ÔN THI MÔN LỊCH SỬ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT THẾ GIỚI

Danh mục câu hỏi ôn thi
Môn Lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới
(Theo đề cương chi tiết chương trình tín chỉ đã được duyệt)

1. Những tiền đề kinh tế – xã hội dẫn đến sự tan rã của công xã nguyên thuỷ và sự ra đời của nhà nước và pháp luật.
2. Cơ sở kinh tế – xã hội của sự ra đời, tồn tại và phát triển của nhà nước Phương Đông cổ đại.
3. Đặc trưng cơ bản của nhà nước Phương Đông thời kỳ cổ đại
4. Những đặc trưng cơ bản của pháp luật Phương Đông cổ đại?
5. Những nội dung và giá trị cơ bản của Bộ luật Hammurapi.
6. Những điểm tương đồng và khác biệt giữa Bộ luật Hammurapi (Lưỡng Hà cổ đại) và Bộ luật Manu (ấn Độ cổ đại)?
7. Đặc trưng cơ bản của nhà nước và pháp luật Phương Tây thời kỳ cổ đại
8. Qui luật chung và những nét đặc thù về sự ra đời nhà nước ở Phương Đông và Phương Tây thời kỳ cổ đại.
9. Những điểm khác biệt cơ bản giữa nhà nước và pháp luật Phương Đông và Phương Tây thời kỳ cổ đại.
10. Nhận xét tính chất dân chủ của nhà nước Aten.

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2008

GIỚI THIỆU TẬP BÀI GIẢNG LỊCH SỬ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT THẾ GIỚI


Nguyễn Minh Tuấn

Nhà nước và pháp luật là hai hiện tượng quan trọng và rộng lớn nhất thuộc kiến trúc thượng tầng, hai hiện tượng này thường xuyên có sự vận động và biến đổi không ngừng. Lịch sử nhà nước và pháp luật nói chung và lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới nói riêng là môn học cung cấp cho người học một cách nhìn tổng quan về quá trình phát sinh, tồn tại, phát triển cũng như xu hướng vận động của hai hiện tượng này từ quá khứ đến hiện tại.
Môn học lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới nhiều năm nay được giảng dạy tại Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà nội và nhiều cơ sở đào tạo luật học khác trong cả nước. Đây là một môn học khó nhưng cũng rất lí thú với hầu hết các sinh viên vì đây là bước mở đầu đối với tất cả các sinh viên, học viên khi tiếp cận với tri thức và bí ẩn muôn đời của nhân loại về nhà nước và pháp luật. Tập tài liệu này được biên soạn vì một mục đích giản dị: giúp học viên nắm được những vấn đề chung nhất và cơ bản nhất về môn học lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới một cách có hệ thống. Trên cơ sở kế thừa các giáo trình trước đây, Giáo trình lần này cũng đã cập nhật, bổ sung kịp thời nhiều vấn đề mới theo từng nội dung cụ thể, các vấn đề được trình bày trong giáo trình này được viết theo hướng gợi mở, ngắn gọn để trên cơ sở đó người học khi có cơ hội sẽ tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu mở rộng.