Thứ Tư, 2 tháng 4, 2008

HƯỚNG DẪN SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Nguyễn Minh Tuấn
Phần hướng dẫn dưới đây phục vụ cho sinh viên K49 chuyên ngành Lý luận – lịch sử nhà nước và pháp luật, Khoa Luật trực thuộc Đại học Quốc gia Hà nội làm Khóa luận tốt nghiệp (KLTN) năm 2008.

Sinh viên sau khi nhận đề tài và giáo viên hướng dẫn, cần liên hệ trực tiếp với giáo viên theo địa chỉ email: nguyenminhtuan_hn@yahoo.com hoặc số điện thoại: 0912313977 (Từ 9h – 10h tối hàng ngày). Thời gian hướng dẫn làm KLTN vào chiều thứ năm hàng tuần từ 14h – 16h tại Bộ môn Lý luận – Lịch sử nhà nước và pháp luật, tầng 4 nhà E1 Khoa Luật ĐHQGHN.

Dưới đây là hướng dẫn cụ thể giúp sinh viên hoàn thành KLTN. Những chỉ dẫn dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo, định hướng và không làm hạn chế tính sáng tạo, sự tự do trong khoa học của sinh viên.

I. MỤC ĐÍCH LÀM KLTN

Làm KLTN là một dịp rất tốt để sinh viên rèn luyện các kĩ năng và tổng hợp các kiến thức đã học. Thông qua quá trình làm Khóa luận tốt nghiệp, giáo viên có thể đánh giá được đầy đủ nhất cả về kiến thức, tinh thần trách nhiệm cũng như các kỹ năng của sinh viên, đặc biệt là các kỹ năng nghiên cứu khoa học, kỹ năng trình bày, xử lý vi tính và kỹ năng thuyết trình, lập luận.

II. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH LÀM KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP
Sinh viên làm KLTN nên tiến hành theo các bước sau:
  • Bước 1. Nhận đề tài (Theo đề nghị và theo sự phân công của Khoa)
  • Bước 2. Tìm tài liệu tham khảo tại các thư viện, tại các cơ quan, trường học hoặc qua bạn bè... viết đề cương nghiên cứu. (Xem hướng dẫn cụ thể ở mục III)
  • Bước 3. Liên hệ với Giáo viên hướng dẫn, thống nhất tên đề tài, kết cấu dự kiến đề tài với giáo viên hướng dẫn.
  • Bước 4. Tiến hành nghiên cứu lí thuyết, tài liệu, trao đổi chuyên môn, phỏng vấn, thực hành…để viết báo cáo theo nội dung đề tài đã được vạch ra trong đề cương.
  • Bước 5. Báo cáo sơ bộ với thầy giáo hướng dẫn tình hình thực hiện đề cương và kết quả nghiên cứu.
  • Bước 6. Hoàn chỉnh khoá luận tốt nghiệp. Nộp KLTN cho thầy hướng dẫn duyệt lần cuối.
  • Bước 7. Nộp KLTN cho Bộ môn hoặc Khoa.
  • Bước 8. Chuẩn bị và bảo vệ tốt nghiệp.
III. KẾT CẤU CỦA KLTN VÀ ĐỀ CƯƠNG NGHIÊN CỨU
1. Yêu cầu chung về kết cấu của KLTN
Thông thường KLTN có kết cấu là 3 chương, song sinh viên có thể xây dựng thành 5 hoặc 7 chương.
Dung lượng của KLTN nên từ 70 – 90 trang.
Cơ cấu của một KLTN theo thông lệ gồm có các phần như sau:

  1. Trang bìa, trang phụ bìa (Theo qui chuẩn chung của cơ sở đào tạo)
  2. Mục lục tổng quan (Chỉ gồm có tên chương, tên các tiểu mục lớn, kèm số trang)
  3. Mục lục chi tiết (Bao gồm tên chương, tiểu mục lớn và các tiểu mục nhỏ, kèm số trang tương ứng)
  4. Danh mục các từ viết tắt (Những từ viết tắt được sử dụng trong KLTN)
  5. Phần mở đầu
  6. Phần nội dung 
  7. Phần kết luận
  8. Phần tổng kết những kết quả nghiên cứu chính (Đây là phần tổng kết lại kết quả nghiên cứu chính của toàn bộ KLTN. Phần này sinh viên nêu ra những luận điểm chính sẽ đưa ra để bảo vệ trước Hội đồng. Các kết quả chính sẽ được đánh số thứ tự lần lượt. Phần này nên viết ngắn gọn, khúc chiết từ 2-3 trang.)
  9. Phụ lục (nếu có các minh chứng kèm theo) và Danh mục tài liệu tham khảo
2. Đề cương nghiên cứu
Đề cương nghiên cứu nên viết khoảng 5-7 trang A4 bước đầu cần thực hiện 4 nội dung sau:
a) Trang bìa:
Ghi rõ tên học viên, lớp, địa chỉ (điện thoại NR/DĐ; email), tên đề tài, tên giáo viên hướng dẫn
b) Phần mở đầu
- Lý do lựa chọn đề tài:
Làm rõ ý nghĩa khoa học, thực tiễn, đóng góp gì cho cuộc sống, cho làm luật, cho khoa học pháp lí; Có khả thi, đủ sức, đủ thời gian, phạm vi vừa phải với KLTN hay không?
- Tình hình nghiên cứu:
Liệt kê những sách, bài báo, đề tài nghiên cứu nào đã thực hiện liên quan đến đề tài, Nhận xét về những kết quả của những công trình đó. Còn những gì đang bỏ ngỏ, cần được nghiên cứu.
- Mục đích nghiên cứu:
Học viên phải giới hạn được phạm vi nghiên cứu. Lưu ý không nên chọn phạm vi rộng, cần căn cứ vào khả năng và tính vừa sức của mình để chọn. Làm rõ mục đích cụ thể của KLTN.
- Phương pháp nghiên cứu cần có:
Nghiên cứu tư liệu;
Phương pháp so sánh;
Phương pháp giải thích thuật ngữ pháp lý;
Khảo sát thực tiễn, phỏng vấn chuyên gia để đưa ra các số liệu định lượng và định tính phục vụ trực tiếp cho KLTN. (Rất cần cho sinh viên làm KLTN !);
Tìm ra những kinh nghiệm qua việc so sánh với thế giới và từ thực tiễn lịch sử;
Từ đó rút ra những thông điệp, kết luận có ý nghĩa phục vụ cho lý luận và thực tiễn.
c. Bố cục KLTN dự kiến
Chương 1:
1.
1.1.
1.1.1.
2.
2.1.

Chương 2:
….
Chương 3:
….
d. Danh mục tài liệu tham khảo:Phần này sinh viên cần liệt kê những tài liệu tham khảo chính đã sưu tầm được liên quan đến đề tài.

IV. HÌNH THỨC KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP
Theo qui chuẩn của Bộ Giáo dục và đào tạo, hình thức của KLTN như sau:
1. Font chữ và căn lề
Font chữ Unicode: Times New Roman, kích thước(size) 14pt. Dãn dòng (line spacing) đặt ở chế độ 1.3 lines.
Căn lề: Lề trên 3 cm, lề dưới 3.5 cm, lề trái 3.5 cm, lề phải 2 cm.
2. Đánh số trang, số chương, mục
Từng trang trong KLTN phải được đánh số ở bên dưới cùng của mỗi trang.
Số thứ tự của các chương, mục được đánh số bằng hệ thống số Ả-rập, không dùng số La mã. Các mục và tiểu mục được đánh số bằng các nhóm hai hoặc ba chữ số, cách nhau một dấu chấm: Số thứ nhất chỉ số chương, số thứ hai chỉ số mục, số thứ ba chỉ số tiểu mục.
Ví dụ:
Chương 3 …
3.1. …
3.1.1. …
3.1.2. …
3.2. …

V. TRÍCH DẪN KHOA HỌC
1. Nguyên tắc chung
  • Việc trích dẫn tài liệu tham khảo ra sao là một tiêu chí quan trọng đánh giá tính nghiêm túc, trung thực của một công trình khoa học.
  • Mỗi một ý được tác giả nêu trong công trình khoa học nếu đã xuất hiện ở một công trình của tác giả khác phải được trích dẫn tương ứng bằng một Footnote.
  • Trích dẫn khoa học thường là trích dẫn gián tiếp (indirect). Tức là ý tưởng, quan điểm của một tác giả khác phải được trình bày bằng văn phong và cách hiểu riêng của chính tác giả công trình cùng với trích dẫn nguồn đầy đủ. Trích dẫn trực tiếp (direct) chỉ được sử dụng khi cần phải trích dẫn cả đoạn, hoặc cả câu đòi hỏi tính chính xác cao. Đoạn được trích dẫn phải để trong ngoặc kép và in nghiêng, đồng thời trích dẫn Footnote đầy đủ. Cả trích dẫn trực tiếp và gián tiếp đều phải nêu chính xác nguồn.
  • Một trích dẫn không đầy đủ hoặc mắc lỗi sẽ làm hỏng cả công trình. Để tránh tình trạng này, khi trích dẫn, cần trích dẫn được nguồn gốc. Sở dĩ phải làm như vậy vì người ta có thể dịch sai hoặc hiểu sai bản gốc ban đầu. Hơn nữa, nếu một công trình có nhiều lần tái bản thì cần trích lần tái bản mới nhất của công trình đó.
  • Những thuật ngữ quan trọng (hoặc dòng quan trọng) có thể được viết chữ in nghiêng hoặc in đậm nhưng phải thống nhất.
2. Footnote và Danh mục tài liệu tham khảo
  • Nội dung trích dẫn cần phải được ghi cụ thể ở ngay dưới trang trích dẫn (Footnote) và tổng kết lại ở cuối báo cáo theo trật tự alphabet tên tác giả đối với tác giả là người Việt Nam, và theo họ đối với tác giả là người nước ngoài (Danh mục tài liệu tham khảo).
  • Mỗi Footnote bắt đầu bằng chữ cái in hoa và kết thúc bằng dấu chấm (Lưu ý phân biệt Footnote Endnote - Footnote là trích dẫn ở ngay dưới trang tương ứng, còn Endnote là ở cuối công trình. Trong KLTN không sử dụng Endnote). Số Footnote phải được viết liền kề nhau, đúng thứ tự. Nếu nhiều nguồn tương tự được nêu ra trong cùng một Footnote thì các nguồn đó phải sắp xếp theo trật tự thời gian và được ngăn cách bởi dấu chấm phẩy (;) không xuống dòng. Hiện nay cũng có cách trích dẫn Footnote khác trực tiếp trong KLTN. Ví dụ: [25; tr.125] - có nghĩa là tài liệu tham khảo số 25 trong danh mục tài liệu tham khảo, trang 125. Cách trích dẫn này có ưu điểm là tránh sự lặp lại khi trích dẫn nhiều lần một tài liệu tham khảo, nhưng thực tế lại tạo ra sự khó khăn cho việc tra cứu và dễ gây nhầm lẫn. Để thống nhất, việc trích dẫn như thế nào, sinh viên nên dựa vào hướng dẫn chính thức của cơ sở đào tạo.
  • Danh mục tài liệu tham khảo là tổng hợp những nguồn đã được sử dụng trong báo cáo. Danh mục này KHÔNG bao gồm các đạo luật, phán quyết của Tòa án mà những nguồn này chỉ được trích dẫn ở Footnote.
3. Cách trích dẫn
  • a) Cách trích dẫn Footnote đối với bài đăng tạp chí: Họ và tên tác giả, tên bài báo, tên tạp chí, tập, số, năm, các trang của bài báo. (Trong phần Footnote chỉ nêu chính xác số trang mà công trình trích dẫn. Trong phần danh mục tài liệu tham khảo cần nêu rõ trang mở đầu và trang kết thúc của bài báo đó).
  • b) Cách trích dẫn đối với bài báo cáo hội nghị: Họ và tên tác giả, Tên bài báo, Tên hội nghị, tên tuyển tập các báo cáo, nơi và thời gian tổ chức, các trang của bài báo. (Tương tự như bài báo khoa học, trong phần Footnote chỉ nêu số trang mà công trình trích dẫn. Trong phần danh mục tài liệu tham khảo cần nêu rõ trang mở đầu và trang kết thúc của bài báo đó).
  • c) Cách trích dẫn Footnote đối với sách tham khảo, chuyên khảo: Họ và tên tác giả, tên sách, lần xuất bản, nhà xuất bản, nơi xuất bản, năm xuất bản, số trang trích dẫn. Một trích dẫn sách thường bắt đầu với họ và tên đầy đủ của tác giả. Học hàm, học vị của tác giả được lược bỏ. Tên sách phải được trích dẫn đầy đủ. Nếu là sách xuất bản lần đầu thì bỏ thông tin về lần xuất bản. Lưu ý luôn trích dẫn lần xuất bản (tái bản) được cập nhật mới nhất.
  • d) Giải thích thuật ngữ: Một thuật ngữ hoặc một vấn đề cần giải thích thêm có thể được trình bày ở Footnote. Trong khoa học pháp lý, khi sử dụng thuật ngữ pháp lý phải chính xác, liên tục kèm theo trích dẫn cụ thể điều, khoản luật và tên đạo luật đó (Ví dụ: Điều 84 Khoản 1 Hiến pháp năm 1992). Đối với đạo luật hoặc văn bản pháp lý lần đầu tiên xuất hiện trong KLTN, để đảm bảo tính chính xác, tác giả nên trích dẫn ở Footnote nêu rõ loại văn bản, số hiệu, tên văn bản, cơ quan ban hành, ngày tháng năm ban hành, nguồn truy cập từ công báo (nếu có) và ngày tháng năm có hiệu lực. Sinh viên có thể tìm kiếm trên các nguồn chính thức là các cuốn sách tập hợp văn bản pháp luật hoặc các website chính thức nhà nước như: Cơ sở dữ liệu Luật Việt Nam của Văn phòng Quốc hội; Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Công báo của Chính phủ; Cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư Pháp.
  • e) Trích dẫn từ các website: Nhìn chung, một công trình khoa học nên hạn chế tối đa trích dẫn nguồn từ các website. Tốt nhất tác giả nên dẫn nguồn từ sách, tạp chí chuyên ngành. Trong trường hợp không thể tìm thấy nguồn trong thư viện, mà nguồn từ website lại là dữ liệu cần thiết bổ sung để chứng minh một lập luận nào đó, tác giả có thể trích dẫn nguồn từ website đầy đủ theo cách: Họ và tên tác giả/ Nhóm tác giả, tên bài viết, địa chỉ truy cập từ Internet kèm theo tên cơ quan quản lý website, ngày tháng năm đăng bài viết, ngày tháng năm truy cập website.
VI. PHONG CÁCH LUẬT HỌC (Juristic Style)
  • Xây dựng một phong cách trong việc trình bày thuyết phục, chặt chẽ các vấn đề pháp lý, kể cả trong ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết luôn có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. 
  • Sức mạnh thuyết phục và việc vận dụng phương pháp lập luận: Trong khoa học ngay cả một phán quyết của Tòa án cũng không phải đã là chân lý, một ý kiến cụ thể của một tác giả hoặc một nhóm tác giả cũng không phải là ý kiến đại diện chung cho tất cả các nhà khoa học. Vì vậy tác giả của công trình khoa học nên tránh việc tuyệt đối hóa, tự cho rằng ý kiến nào đó là ý kiến đại diện chung và cũng đừng ngại đưa ra ý kiến riêng của cá nhân, nếu ý kiến đó là cần thiết và có cơ sở. Điều có tính chất quyết định chính là sức mạnh thuyết phục ở sự tranh luận, cách thức lập luận trong chính công trình của tác giả. Về phương pháp, sinh viên cũng có thể thực hành theo phương pháp loại trừ: bước đầu là nêu và phân tích một vấn đề pháp lý dưới các giác độ khác nhau, bước tiếp theo là lần lượt tự phản biện,  tự bác bỏ những giả thuyết chưa đúng, chưa phù hợp và bước cuối cùng là tự mình tìm ra một kết luận đáng tin cậy, thuyết phục, chặt chẽ nhất. Thông qua việc lập luận, giáo viên có thể đánh giá được khả năng tư duy và mức độ đầu tư suy nghĩ vấn đề của sinh  viên thực hiện đề tài.
  • Vận dụng phương pháp Tam đoạn luận (Syllogism) của Arixtot - một phương pháp logic hình thức truyền thống trong luật học: Tam đoạn luận là suy luận gồm 3 bộ phận: tiền đề lớn, tiền đề nhỏ, và kết luận. Ví dụ: Tất cả mọi người đều phải chết (tiền đề lớn/ tiền kiện), Socrat là người (tiền đề nhỏ), vậy Socrat cũng phải chết (kết luận). Khi nói hoặc viết, mỗi một đoạn, sinh viên nên bắt đầu bằng một ý (tiền đề lớn) hay câu mở đầu thật ngắn gọn, rõ ràng. Bước tiếp theo, sinh viên cần làm sáng tỏ vấn đề/ ý đã nêu bằng những lý lẽ và dẫn chứng cụ thể và bước cuối cùng là đưa ra câu kết luận có ý nghĩa, khẳng định lại tính đúng đắn của ý hoặc vấn đề đã nêu ở câu mở đầu. 
  • Thường xuyên trích dẫn điều luật: Học luật thì không thể thoát ly văn bản luật và các điều luật. Điều này đòi hỏi sinh viên phải đọc rất nhiều và cập nhật liên tục các văn bản luật. Khi muốn chứng minh một vấn đề, kể cả các vấn đề lý luận hay một vấn đề thực tế, sinh viên cần trích dẫn đầy đủ cơ sở pháp lý là những văn bản luật, những điều khoản cụ thể và cơ sở thực tế phát sinh.
  • Nắm chắc những phương pháp kể trên, cùng với việc luyện tập thường xuyên, sinh viên sẽ xây dựng được cho mình một phong cách riêng - phong cách luật học.
VII. BẢO VỆ KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP
  • Mỗi sinh viên nên tập trung trình bày 7-10 phút. Lưu ý càng trình bày dài dòng, quá thời gian qui định thì ... càng ít điểm vì chứng tỏ chưa nắm vững nội dung chính của KLTN. Tránh nói quá dài về tổng quan lí luận. Hãy đi thẳng vào vấn đề: chủ đề chính của đề tài là gì, sinh viên đã chọn giải quyết vấn đề gì, cách giải quyết và kết quả ra sao. Sinh viên cần biến những vấn đề phức tạp trở nên đơn giản, tránh nói quá chi tiết vì không đủ thời gian. Tâm lí chung các Thầy cô trong hội đồng chấm KLTN là không thích nghe nói dài, nhất là khi có nhiều sinh viên cùng bảo vệ. Cố gắng tạo ra sự khác biệt nhưng hợp lý trong cách trình bày.
  • Phần trả lời câu hỏi là phần quan trọng trong Bảo vệ KLTN, kiến thức và kỹ năng lập luận của sinh viên được thể hiện rõ nhất ở phần này. Sinh viên cần tập trung trả lời trúng và thuyết phục câu hỏi Hội đồng đưa ra. Để làm được tốt điều này, trước tiên sinh viên phải hiểu câu hỏi mà Hội đồng đưa ra. Nếu chưa hiểu câu hỏi, sinh viên có thể hỏi kĩ lại câu hỏi của Hội đồng, say đó suy nghĩ và trả lời theo cách hiểu của mình.
  • Sinh viên có thể chuẩn bị trình bày bằng máy chiếu qua chương trình Powerpoint. Khi thiết kế, sinh viên không nên viết quá nhiều chữ trên một slide. Cần thiết kế số lượng slide sao cho phù hợp với thời gian trình bày. Khi trình bày trước Hội đồng chấm KLTN, sinh viên tránh đọc chính tả lại những gì đã xuất hiện trên mỗi slide mà tốt nhất không nhìn vào slide, tự tin trình bày, bình luận, thuyết phục người nghe theo cách hiểu của mình.
Chúc các bạn sinh viên K49 nghiên cứu và bảo vệ thành công KLTN!

Nguyễn Minh Tuấn
--------------
Các bài viết khác cùng tác giả có liên quan đến chủ đề (click vào liên kết dưới đây để đọc):