Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011

HÀNG NGÀN ĐIỂM KHÔNG THI ĐẠI HỌC MÔN SỬ: CHUYỆN BÌNH THƯỜNG?

 Nguyễn Minh Tuấn


Trước kết quả thê thảm của môn lịch sử trong kì thi đại học vừa qua, trả lời báo Tuổi trẻ ngày 30/7, người đứng đầu Bộ giáo dục đã cho rằng: "Theo tôi, trong một kỳ thi như kỳ thi đại học vừa qua, có hàng ngàn điểm 0 là bình thường. Đây là kỳ thi cấp quốc gia, là thi tuyển, với mục đích phân loại để làm rõ đâu là người giỏi, người khá, đâu là người yếu kém. Vì vậy, qua quá trình thi lộ ra những học sinh kém là bình thường."


Tôi thực sự không hiểu ngài Bộ trưởng nói "bình thường" là theo nghĩa nào. Đúng là kì thi nào cũng cần phải mang tính phân loại, tìm ra người giỏi, người khá, người yếu kém. Nhưng vấn đề là số lượng, là tỉ lệ bài thi yếu kém đó là bao nhiêu trong tổng thể những người dự thi? Nếu tỉ lệ bài thi yếu kém quá nhiều, hàng nghìn thí sinh không làm được một chút nào, sau khi đã có một thời gian dài ôn luyện, đó chắc chắn phải được xem là việc rất bất bình thường và phải nghiêm túc xem xét lại từ cách dạy, cách học và cách đánh giá. Đơn giản hơn là giáo viên, nếu môn học giáo viên đó dạy mà có quá nhiều điểm 0, điểm yếu kém, thì việc đầu tiên người giáo viên cần làm là phải tự xem lại mình, mà có biện pháp khắc phục, sửa chữa. Huống chi đây lại là người đứng đầu ngành giáo dục của cả một nước, kết quả thi thấp như thế, một thực trạng đáng báo động như thế, vậy mà ngài Bộ trưởng lại thản nhiên cho rằng đó là việc BÌNH THƯỜNG.


Phải chăng tôi đã hiểu không đúng ý của ngài Bộ trưởng? Tôi mong là như vậy, vì nếu không, những vấn đề bức xúc khác trong ngành giáo dục như: chạy trường chạy điểm, bạo lực học đường, bằng giả, giáo viên sống thoi thóp bằng đồng lương chết đói, học sinh bỏ học...một ngày nào đó có khi cũng được xem là BÌNH THƯỜNG. Như vậy quả thật là tai hại.

Thực tế việc dạy và học môn Lịch sử cũng như nhiều môn khoa học xã hội nói chung hiện nay ở Việt Nam đã rất lạc hậu, lạc hậu đến mức báo động. Lạc hậu từ trong cách dạy, cách học đến cách kiểm tra, đánh giá. Nhìn chung chúng ta chưa thoát ra được cách làm phổ biến ở bậc đại học hiện nay là nặng về lý thuyết "Thầy giáo dạy ra sao, đi thi câu hỏi cũng hỏi nguyên những kiến thức như thế". Với cách dạy, học và thi như thế, học sinh có thể biết rất nhiều sự kiện con số (thường rồi cũng quên ngay!), nhưng năng lực đánh giá, năng lực cảm nhận, khả năng tư duy sẽ không tiến bộ được là bao. 

Còn về việc đổi mới việc dạy học môn sử, tôi nghĩ đó là việc làm rất bức thiết và cần bắt đầu bằng việc tư duy lại ba vấn đề mấu chốt sau đây:

Thứ nhất, đã là lịch sử tức là tất cả những gì đã diễn ra, nếu thế nó phải được phản ánh một cách trung thực và công bằng. Thiếu trung thực và công bằng, hay lịch sử bị chính trị hóa, khi đó lịch sử không còn là lịch sử nữa.

Thứ haingười học lịch sử phải được làm chủ - làm chủ chứ không phải là nô lệ chịu sự khổ sai về trí nhớ. Muốn vậy họ phải được đứng ở vị trí của người được quyền nhận xét, đánh giá và rút ra bài học, rút ra được việc nào nên làm, việc nào nên tránh, hoặc rút ra những vấn đề có tính qui luật trong suốt quá trình học và thi.  Ngoài ra muốn người học say mê, người thầy bên cạnh việc truyền đạt kiến thức, cũng cần chú trọng truyền đạt cho người học cách thức tiếp cận, tư duy vấn đề và đặc biệt là thái độ, tình cảm với môn học

Thứ ba, trong y học nếu ai cũng học chuyên khoa tai mũi họng, răng hàm mặt thì ai sẽ học khoa sản, khoa lây; hay các ngành thời thượng hiện nay cũng thế, ai cũng học quản trị kinh doanh, ngân hàng, tin học, kế toán...thì ai sẽ học các ngành như Sử học, Triết học, Văn học hay Hán nôm. Xét về tổng thể, tất cả các ngành khoa học đều quan trọng cả. Một xã hội phát triển hài hòa, khỏe mạnh cần phải được dựa trên những nền tảng văn hóa, đạo đức, pháp quyền và nhiều giá trị khác. Muốn vậy nhà nước cần phải phát triển một cách đa dạng, hài hòa các ngành học, môn học, phải có chính sách lương bổng, hỗ trợ xứng đáng cho những người làm những công việc này.

Tóm lại, làm được ba việc kể trên: (1) sử học phải trung thực và công bằng, (2) người học được làm chủ và (3) nhà nước hỗ trợ thỏa đáng, tôi nghĩ môn sử chắc chắn sẽ là môn học được nhiều học viên yêu thích và sẽ không còn tình trạng học đối phó và có hàng ngàn điểm 0 thi đại học môn sử nữa.


NMT
---------------------------------
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận:
“Hàng ngàn điểm 0 là bình thường”

Ông Phạm Vũ Luận -  Ảnh: C.V.K.

TT - Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng việc có hàng ngàn điểm 0 môn lịch sử trong kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua là bình thường. Việc thay đổi chương trình môn sử cũng mới đang ở giai đoạn phải... bàn. Ông Luận nói:

- Theo tôi, trong một kỳ thi như kỳ thi đại học vừa qua, có hàng ngàn điểm 0 là bình thường. Đây là kỳ thi cấp quốc gia, là thi tuyển, với mục đích phân loại để làm rõ đâu là người giỏi, người khá, đâu là người yếu kém. Vì vậy, qua quá trình thi lộ ra những học sinh kém là bình thường. 

Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng sẽ phải thay đổi trong dạy và học không chỉ môn sử mà còn cả các môn khác như địa lý, văn học... Sẽ cần bàn bạc, tìm tòi để thay đổi, có thể thay đổi mục tiêu, chương trình, phương pháp dạy và học hoặc thay đổi toàn diện... 
Với môn sử, việc bàn tính sẽ phải tiến hành cả ở trong giới sử, các thầy cô giáo, chuyên gia về lịch sử. Một mình tôi không quyết hết được cái ấy. Bộ GD-ĐT sẽ xem xét, bàn bạc cùng các hội, các chuyên gia và thay đổi trên tinh thần khoa học.

Thí sinh dự thi khối C vào Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) làm thủ tục dự thi trong kỳ tuyển sinh năm 2011 Ảnh: Minh Giảng

* Nhưng ông cũng là một nhà giáo, theo cá nhân ông, cách dạy của chúng ta hiện nay bắt học sinh nhớ từng ngày, tháng của các trận đánh có cần thiết? Cách dạy như thế quá nặng đã khiến học sinh học đối phó, học để... quên?

- Nhớ ngày tháng cũng cần. Ngày thành lập Đảng, ngày sinh Bác Hồ có cần nhớ không? Vì vậy, tôi cho rằng không nên cực đoan một chiều. Có những thứ máy móc phải bỏ, nhưng có những ngày tháng sự kiện máu thịt buộc phải nhớ và sẽ không thay đổi yêu cầu này. Ngày giỗ bố, mẹ, ông bà phải nhớ chứ. Anh có thể ra nước ngoài nhưng ngày giỗ bố mẹ anh thì phải nhớ, hay ngày Tết cổ truyền anh không được phép quên. 
Nên tôi cho rằng có những thứ dứt khoát phải nhớ, dù là nhớ máy móc. Nhiều thứ khác có thể bỏ.

* Bây giờ rõ ràng học sinh VN thuộc những chuyện của Trung Quốc hơn cả lịch sử VN? Lịch sử VN đang được dạy kém hấp dẫn, cần nhiều kênh đa dạng hơn?

- Tôi đồng ý là nhiều bạn trẻ VN thuộc lịch sử Trung Quốc nhưng đó không phải là chuyện của giáo dục mà là chuyện của xã hội. Người ta thuộc sử Trung Quốc hơn không phải do được dạy, phải học lịch sử, cách dạy sử Trung Quốc hay mà là do đọc truyện, xem phim. Đừng nhầm lẫn chỗ này. 
Người ta có thể xem phim Tam Quốc, Thủy Hử, Đường Minh Hoàng... nên không chỉ thanh niên thuộc sử Trung Quốc mà cả người lớn nữa cũng có thể thuộc sử, hiểu sử Trung Quốc hơn sử VN. Cái đó không phải giáo dục từ trường học. Đó là câu chuyện không chỉ của ngành giáo dục nữa và một mình ngành giáo dục không làm được.
CẦM VĂN KÌNH ghi

-----------------------------------