Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2011

ĐỘC LẬP MÀ DÂN KHÔNG ĐƯỢC HƯỞNG HẠNH PHÚC, TỰ DO THÌ ĐỘC LẬP CŨNG KHÔNG CÓ NGHĨA LÝ GÌ


Nguyễn Minh Tuấn

Sáu mươi sáu năm đã trôi qua kể từ ngày đầu tiên của nền độc lập non trẻ. Giá trị của độc lập là vô giá, không gì có thể so sánh được. Nhưng có một câu hỏi khác, thành quả đích thực mà nền độc lập đem lại cho người dân là gì? Với câu hỏi ấy, chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng trả lời rất thấu đáo và chính xác: "Nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì". (1)
 
Tự do” không phải là giá trị bất biến, tự nó luôn thay đổi theo thời gian và theo bối cảnh xã hội. “Tự do” của sáu mươi sáu năm trước hẳn sẽ khác với những giá trị của tự do ngày hôm nay. Ngày nay, nhân dân chỉ có được tự do đích thực khi nào mà quyền lực của nhà nước bị giới hạn bởi một bản hiến pháp dân chủ được phúc quyết bởi toàn dân, trong đó xác định rõ những quyền cơ bản, cũng như xác định rõ việc người dân có quyền được lựa chọn, quyền thay đổi Quốc hội, Chính phủ thông qua cuộc bầu cử chân chính.(2) Chỉ khi quyền lực nhà nước bị giới hạn, khi ấy những quyền tự do của người dân mới có điều kiện để được bảo vệ và hiện thực hóa.

Có được độc lập chưa đủ, độc lập nhưng người dân phải được hưởng hạnh phúc, tự do. Đấy chính là đòi hỏi chính đáng, điều mà không phải ai khác chính cụ Hồ đã chỉ ra. Hạnh phúc, tự do mới chính là mục đích cuối cùng, là mong ước thẳm sâu nhất của mỗi người dân nước Việt. 
 
Nhiều dân tộc đã bước đi những bước rất dài để hướng tới thịnh vượng văn minh, trong khi đó cũng có nhiều dân tộc vẫn ngủ quên trong lạc hậu, đói nghèo do bảo thủ hoặc tự bằng lòng với tư duy cũ. Kết lại bài viết ngắn này xin được chép lại lời của Thầy Phạm Duy Nghĩa khi nhận định về kẻ thù đáng sợ nhất của dân tộc Việt Nam hiện nay: 

... Một dân tộc biết suy tư, mơ ước và hành động để chế ngự đói nghèo và ganh đua với các dân tộc láng giềng là một dân tộc đang sống. Đóng cửa lại, tự cấp tự cung với đồng lúa và lệ làng, tự mãn với sự lạc điệu của riêng mình có lẽ là kẻ thù đáng sợ nhất của dân tộc chúng ta." (3)

Nguyễn Minh Tuấn
--------------------
Nguồn

(1). Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB CTQG, Hà nội, T4, tr.56.
(2). Quyền lựa chọn, thậm chí thay đổi Quốc hội, Chính phủ cũng không phải bây giờ mới đưa ra và cũng không phải ai khác, chính chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: "Nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ” (Nguồn: Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Sự thật, T4, tr.283). 
(3). Phạm Duy Nghĩa, Giò lụa hay xúc-xích: Lại bàn về làm luật, NCLP, 2005, I, tr. 42-46. 


--------------------------------------------


QUYỀN LỰC CỦA LÒNG TIN
Nguồn: Bài trả lời Báo Tuổi trẻ của GS. Đinh Xuân Lâm, Phóng viên Thu Hà ghi, đăng ngày 2/9/2011 tại đây

TT - Cứ mỗi mùa thu đến là chúng ta lại đếm thêm 1 tuổi cho nền cộng hòa đầu tiên của đất nước. 66 năm chưa phải là quá nhiều, nhưng cũng đủ để mỗi dịp kỷ niệm là một lần nhìn lại. Có thấy hết được sự thật lịch sử mới rút ra được những bài học để vững vàng bước tới.
Cuộc cách mạng mùa thu 66 năm trước có những hiện tượng rất lạ: chỉ trong mấy ngày, cách mạng thành công trên toàn đất nước. Nhìn trên bản đồ khởi nghĩa mới thấy thế trận của nhân dân đúng là như nước vỡ bờ, thành nọ nối tỉnh kia vùng dậy. Không có lực lượng vũ trang, không có đổ máu, chỉ có lòng yêu nước của người dân, cùng với khao khát độc lập, tự do, gặp được sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng - đã làm nên thắng lợi. 

Nguyên nhân của thắng lợi ấy đó là tấm lòng người dân yêu nước tin Đảng, tin vào uy tín của Hồ Chí Minh - người mà họ được biết chính là Nguyễn Ái Quốc, người đã chủ trương đại đoàn kết dân tộc - thành lập mặt trận Việt Minh - tập hợp tất cả lực lượng yêu nước vào một mối dù khác chính kiến, thành phần, giai cấp, tôn giáo, lứa tuổi...

Giành độc lập rồi, nhưng giữ được chính quyền trứng nước còn gian nan hơn: cả dân tộc vừa qua nạn đói khủng khiếp nhất lịch sử, 2 triệu người chết chỉ qua một vụ giáp hạt, ngân khố trống rỗng, mùa thu hoạch chưa đến, lũ to, đê vỡ, 90% dân số mù chữ...và nguy hiểm nhất là 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch lấy cớ giải giáp quân Nhật tràn qua biên giới và đội quân viễn chinh Pháp rập rình quay lại VN. Nước sôi lửa bỏng, giặc ngoài thù trong. Chúng ta vẫn giữ được chính quyền.
Hãy nhớ lại Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta làm gì trong những ngày ấy: xây dựng hiến pháp, quân đội, tập trung xóa nạn mù chữ, kêu gọi tuần lễ vàng, hũ gạo cứu đói..., thực hiện rất nhiều cuộc tiếp xúc ngoại giao khôn khéo để đuổi quân Tưởng ra khỏi đất nước và chuẩn bị lực lượng bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến.

Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946, lùi một bước, chấp nhận cho Pháp vào VN để đuổi 20 vạn quân Tưởng về nước, có rất nhiều người phản đối quyết liệt, cho rằng hiệp định 6-3 là bán nước (!?). Võ Nguyên Giáp đã phải đi nói chuyện rất nhiều nơi để giải thích, phân tích tình hình, và chính Chủ tịch Hồ Chí Minh phải đứng ra thề trước quốc dân đồng bào trong một cuộc mittinh ở Nhà hát lớn: “Hồ Chí Minh không bán nước!”.

Và người dân đã tin. Dân tin nên mới có chín năm kháng chiến và mới có chiến thắng Điện Biên Phủ, có mùa xuân 1975.

Lòng tin của người dân vào người lãnh đạo đã mang lại sức mạnh vô biên cho công cuộc giữ nước và dựng nước thời hiện đại. Lòng tin của người dân cũng mang đến cho VN một vị thế đường hoàng, vững chắc hơn trên thế giới.

Người dân tin vì lãnh tụ đã cho họ thấy cái tài và cái tâm của mình, đã chứng minh bằng cả cuộc đời mình một tấm lòng yêu nước không gợn chút riêng tư.
Dân tin vì họ nhìn thấy cái mà họ sẽ được khi đi theo Đảng: độc lập, tự do, cơm no, áo ấm...
Bài học của mùa thu cách mạng cho thấy cái chúng ta cần hôm nay chính là niềm tin của người dân. Dân chỉ có thể tin khi dân được biết và được hỏi ý kiến về những chuyện liên quan mật thiết đến cuộc sống hằng ngày của họ: từ chuyện chống tham nhũng đến chuyện cho nước ngoài thuê đất, thuê rừng, đến chuyện ngoài hải đảo xa xôi... Dân khó tin khi quan chức nói một đằng làm một nẻo, rất khó tin khi tham nhũng vẫn tràn lan... Lòng tin ấy, chính quyền cách mạng, với hạt nhân là Hồ Chí Minh, đã gây dựng được từ mùa thu năm ấy, giờ cần phải được tiếp tục nuôi dưỡng, vì mọi quyền lực chỉ thật sự tồn tại trên cơ sở lòng tin của người dân mà thôi.

GS ĐINH XUÂN LÂM
THU HÀ ghi