Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

TINH THẦN HIẾN PHÁP Ở ĐỨC

 

Nguyễn Minh Tuấn


Bức ảnh mà quí vị xem ở trên là bức ảnh miêu tả quang cảnh những buổi trao đổi, thảo luận về Hiến pháp tại  "nhà thờ thánh Paul" (Paulskirche/ St. Paul's Church) ở Frankfurt. Nhà thờ này được xem như là nơi khởi nguồn, là biểu tượng cho Tinh thần Hiến pháp ở Đức.  

Tại đây, ngày 28 tháng 3 năm 1849, bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước Đức đã được thông qua bởi một Quốc hội lập hiến mà thành viên là những nhà trí thức hàng đầu thời đó. Họ đã trao đổi rất kĩ lưỡng và kiến thiết ra một bản Hiến pháp dân chủ không thua kém bất cứ một bản Hiến pháp thành văn nào trên thế giới thời điểm đó. Có được thành quả ấy cũng bởi khi xây dựng Hiến pháp này, các nhà lập hiến đã ý thức được rằng Hiến pháp trước hết phải chứa đựng những giá trị pháp quyền, Hiến pháp sinh ra là để ghi nhận, bảo vệ quyền con người và chống lại sự lạm quyền của nhà nước.  (Xem: Edel/Thielmann, Rechtsgeschichte, 3. Aufl., 2003, Rn.526f.)

Đọc Hiến pháp này, người ta không khỏi ngạc nhiên và trân trọng những giá trị của nó, vì gần như tất cả các quyền tự do dân chủ mà hiện nay người Đức đang được hưởng đều đã được qui định một cách đầy đủ, chi tiết ở Chương VI của Hiến pháp như: quyền tự do ngôn luận (Điều 143), quyền tự do biểu tình (Điều 161), quyền tự do lập hội (Điều 162), quyền tự do tôn giáo (Điều 147), quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp (Điều 158), quyền tự do khoa học (Điều 152), quyền sở hữu tài sản, quyền tự do cư trú, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở (Điều 133), quyền bất khả xâm phạm về thư tín, quyền bình đẳng (Điều 137), các quyền tố tụng, liên quan đến việc bắt giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử (Điều 175), bãi bỏ hình phạt tử hình (Điều 139)... 

 

Mặc dù đã được đăng công báo, nhưng rất đáng tiếc là bản Hiến pháp này lại không được thực thi rộng rãi do sự chống đối của vị vua độc tài Friedrich Wilhelm IV

Dù không có hiệu lực trên thực tế, nhưng bản Hiến pháp này đã để lại một di sản vô cùng quí giá, đó là phản ánh được Tinh thần Hiến pháp - một tinh thần xây dựng, đấu tranh và bảo vệ các giá trị tự do dân chủ.
 
 
 
Thật may mắn cho nước Đức, những thế hệ người Đức sau đó đã sớm nhận ra những giá trị Tinh thần Hiến pháp này, để rồi kế thừa và liên tục phát triển nó.  

Sau thế chiến thứ hai, xây dựng lại đất nước trong đống hoang tàn đổ nát, người Đức đã nhanh chóng  tiếp nối Tinh thần Hiến pháp ấy trong việc xây dựng Luật cơ bản năm 1949. Sau một thế kỷ, trong Hội nghị lập hiến, Karl Arnold, thống đốc bang Nord-Rhine Westphalia (sau này là Chủ tịch Thượng viện) đã tuyên bố một câu nói nổi tiếng rằng: "Nhiệm vụ của chúng ta rất nặng nề đó là tiếp nối tinh thần Hiến pháp, chúng ta phải làm việc thật cẩn trọng và trách nhiệm, phải cân nhắc để chắc chắn rằng những gì mà chúng ta kiến thiết hôm nay, ngày mai sẽ là tương lai tốt đẹp cho tất cả người Đức". 

 
 
 

Ngày nay khi xem lại những thước phim lịch sử, xem lại những cuộc tranh luận nảy lửa đã diễn ra tại nhà thờ thánh Paul, hay tại Hội nghị lập hiến năm xưa và nhìn vào cuộc sống, quan sát cách người Đức bảo vệ Hiến pháp của họ hôm nay, ai cũng có thể cảm nhận được rằng điều làm nên sức sống trường tồn của Hiến pháp ở Đức chính là Tinh thần Hiến pháp - một tinh thần được vun đắp, tiếp nối, phát triển qua nhiều thế hệ. Tinh thần ấy "SỐNG" không chỉ ở những con chữ của Hiến pháp mà nằm trong tâm thức cũng như hành động của từng người dân Đức
Xa mà gần, vô hình mà hiện hữu, tinh thần ấy hiện diện ở tính kỉ luật và tinh thần trách nhiệm của người Đức, từ những người lãnh đạo cao nhất đến người dân vốn đã được giáo dục, vun đúc từ tấm bé và từ những việc nhỏ nhất.

Chúng ta có thể học được gì từ Tinh thần Hiến pháp ấy của người Đức để xây dựng một nhà nước pháp quyền, một nhà nước thực sự dân chủ văn minh?  Câu trả lời phụ thuộc rất lớn vào sự quyết tâm chính trị của những người lãnh đạo đất nước và sự đồng lòng nhất trí của mọi người dân, đặc biệt là đội ngũ trí thức của đất nước trong việc xây dựng và bảo vệ liên tục những giá trị này.