Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

ĐẠI DIỆN CHO NHÂN DÂN CẢ NƯỚC

ĐBQH Nguyễn Minh Hồng, Ảnh: Đại biểu quốc hội.
Nguyễn Minh Tuấn*
Nguồn: Tạp chí Tia sáng, 
đăng ngày 16/11/2011, truy cập tại đây.

Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho lợi ích, cho tiếng nói của nhân dân cả nước. Để làm được nhiệm vụ này, các đại biểu quốc hội cần được đảm bảo về mặt vật chất, đảm bảo thời gian và đảm bảo tự do đề xuất ý kiến của mình.
Khi trình dự luật nhà văn, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Hồng đã từng trả lời báo chí rằng: "nếu phải lựa chọn giữa Luật biểu tình và Luật nhà văn thì ông vẫn chọn Luật nhà văn”.1 Gần đây nhất khi phóng viên Báo Đất Việt đặt câu hỏi vì sao cần phải có Luật nhà văn, thì ông lại trả lời rằng: "…tôi cũng không biết vì sao cần có Luật Nhà văn. Tôi chỉ thực hiện lời hứa, còn cụ thể vì sao cần có Luật Nhà văn thì tôi chưa nghĩ ra… Tôi chỉ muốn bảo vệ quyền lợi các nhà văn, vì tôi cũng là nhà văn”.2
Vậy là đã rõ Đại biểu Nguyễn Minh Hồng “chưa nghĩ ra vì sao cần dự luật đó” nhưng vẫn cứ trình và mục đích của ông là để bảo vệ quyền lợi của Hội Nhà văn.
Nếu Đại biểu Nguyễn Minh Hồng chưa rõ nhiệm vụ của một Đại biểu Quốc hội thì xin được nhắc lại rằng Điều 97 Câu 1 Hiến pháp 1992 đã qui định rất rõ: "Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước”. Người Đại biểu Quốc hội khi thực hiện nhiệm vụ phải đại diện cho nhân dân cả nước, đặt lợi ích của toàn dân lên hàng đầu.3 Nếu một Đại biểu Quốc hội tham gia nhiều vị trí khác nhau, chẳng hạn vừa là thành viên của một Hội, vừa là cán Bộ của một Bộ, vừa là Đảng viên, vừa là Đại biểu Quốc hội, thì khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ là Đại biểu Quốc hội, người Đại biểu đó vẫn phải hành động đại diện cho ý chí, nguyện vọng của “nhân dân cả nước”4. Đây là điều mà có lẽ Đại biểu Nguyễn Minh Hồng cần phải hiểu hơn ai hết.
Câu chuyện dự luật nhà văn là như vậy. Ở một khía cạnh khác, qua việc này, tôi nghĩ cũng cần giải đáp vấn đề: Làm thế nào để Đại biểu Quốc hội thực sự thực hiện tốt được vai trò “đại diện cho nhân dân cả nước”?
Người xưa vẫn nói “có thực mới vực được đạo”. Nhiệm vụ của Đại biểu Quốc hội thực tế rất nặng nề. Điều 97 Câu 2 Hiến pháp 1992 qui định: “Đại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri với Quốc hội và các cơ quan Nhà nước hữu quan; thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Quốc hội; trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hướng dẫn, giúp đỡ công dân thực hiện các quyền đó”. Làm thế nào để “liên hệ được chặt chẽ với các cử tri, thu thập và phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri” khi mà các điều kiện vật chất từ chỗ làm việc, kinh phí đi lại, kinh phí khảo sát đánh giá, công tác phí v.v…đến điều kiện thời gian đối với các Đại biểu hiện còn rất hạn chế? Nhiệt tình liệu đã đủ chưa?
Ở nhiều nước hiện nay, nếu như lương hay thu nhập của các Nghị sĩ thường rất cao, cao hơn hẳn so với các nghề nghiệp, công việc khác5 thì Đại biểu Quốc hội nước ta phần lớn là kiêm nhiệm có ít thời gian cho công tác Đại biểu và chỉ được nhận một khoản “hoạt động phí” hàng tháng bằng 1,0 mức lương tối thiểu và những khoản hỗ trợ rất khiêm tốn khác.6
Làm luật thực chất là một qui trình rất phức tạp, tốn kém, nhiều công đoạn. Không có kinh phí, không chuyên nghiệp, không có thời gian, xin thứ lỗi, Đại biểu Quốc hội khó có thể trình được những dự luật có chất lượng, thực sự phản ánh đúng mong muốn của người dân, không thể có đầy đủ những dữ liệu, và cơ sở để thuyết phục được người khác, mà dự luật nhà văn kể trên là một bằng chứng.
Khi đã nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của cử tri, Đại biểu Quốc hội còn phải thuyết phục được các Đại biểu khác và nhân dân cả nước. Muốn thuyết phục được người khác, Đại biểu trước hết phải được quyền tự do phát biểu, tự do đưa ra các sáng kiến, các phản biện. Khoa học Luật Hiến pháp gọi qui định này là quyền tự do hành động của Đại biểu7. Ở nhiều nước, Hiến pháp đều có những qui định rất cụ thể quyền tự do hành động của Đại biểu, chẳng hạn: Điều 38 Khoản 1 Câu 2 Luật cơ bản của Đức qui định: "Nghị sĩ Hạ viện là những người đại diện cho lợi ích của toàn thể nhân dân, chỉ hành động theo nội tâm của mình mà không chịu bất cứ sự ràng buộc chỉ đạo nào khác khi phát biểu hoặc thực thi nhiệm vụ8; Điều 27 Hiến pháp Cộng hòa Pháp qui định: “Mọi sự áp đặt đối với Nghị sỹ đều vô hiệu. Quyền bỏ phiếu biểu quyết của thành viên Nghị viện là quyền mang tính cá nhân9; Điều 1 Khoản 6 Câu 3 Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ qui định: “Về bất cứ bài phát biểu hay tranh luận nào trong cả Thượng viện và Hạ viện thì các Nghị sĩ cũng sẽ không bị chất vấn ở bất cứ nơi nào khác”.10 Có qui định này, Đại biểu sẽ hoàn toàn yên tâm khi phát biểu, đưa ra các lập luận để thuyết phục các Đại biểu khác mà “không sợ động chạm”. Đại biểu sẽ chỉ nói lên tiếng nói đại diện cho lợi ích duy nhất – lợi ích của nhân dân.
-----------------------------------------------------
* NCS Đại học Saarland, CHLB Đức


1. Nguyễn Việt Chiến, Nguyệt Minh, Tuệ Nguyễn, Chuyện lạ Luật nhà văn, Báo Thanh Niên Online, ngày 4/11/2011, tại: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20111104/chuyen-la-luat-nha-van.aspx


2. Bá Mạnh, Đại biểu Nguyễn Minh Hồng – Tôi cũng không biết vì sao cần Luật nhà văn, Báo Đất Việt, đăng ngày 14/11/2011, tại: http://baodatviet.vn/Home/chinhtrixahoi/Dai-bieu-Nguyen-Minh-Hong-Toi-cung-khong-biet-vi-sao-can-Luat-Nha-van/201111/177863.datviet


3. Xem thêm: Nguyễn Sĩ Dũng, Đại diện cho lợi ích quốc gia, Tia sáng, đăng ngày 21/07/2011, tại: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&CategoryID=42&News=4215


4. Một ý kiến của Đại biểu Quốc hội không “đồng nhất” (Identity) với tất cả ý kiến của mọi người dân, nhưng ý kiến đó phải mang tính “đại diện” (Representation), đại diện không phải cho nơi làm việc, cho nơi bầu ra hoặc tổ chức mà đại biểu đó là thành viên, mà phải “đại diện cho nhân dân cả nước” (Tác giả).


5. Tham khảo mức lương (salary) của Nghị sĩ tại Mỹ (số liệu năm 2011), mức lương trung bình của Nghị sĩ Thượng viện hoặc Hạ viện là khoảng 174.000 đô la/1 năm, tham khảo tại địa chỉ website chính thức Thông tin Chính phủ Mỹ: http://usgovinfo.about.com/od/uscongress/a/congresspay.htm; Mức thu nhập chưa tính thuế một tháng (monatliche Einkommen) của một Nghị sĩ ở Đức (số liệu năm 2011) là khoảng 15.636 Euro/1 tháng. Nhà nước Đức phải chi tất cả các khoản cho một Nghị sĩ ở Đức năm 2009 là khoảng 22.500 Euro/1 tháng, tham khảo tại website chính thức của Hạ viện liên bang Đức http://www.bundestag.de/bundestag/abgeordnete17/mdb_diaeten/1333.html và nhà phân tích tài chính Herbert Huber tại địa chỉ http://www.gavagai.de/korrupt/HHD1301.htm.


6. Xem cụ thể các khoản chi tại Nghị quyết của UBTVQH số 1157/NQ-UBTVQH11 quy định một số chế độ, định mức chi tiêu tài chính phục vụ hoạt động của QH, các cơ quan của QH, các Ban của UBTVQH, VPQH, các Đoàn ĐBQH, ban hành ngày 10/7/2007 (còn hiệu lực).


7. Đảm bảo “Tự do hành động” của Đại biểu khi phát biểu ý kiến, đưa ra các nhận định tại nghị trường (tạm dịch từ nghĩa gốc Tiếng Pháp: Le mandat représentatif; Tiếng Đức: freies Mandat, Tiếng Anh: Free Mandate) là một đảm bảo phổ biến và là đặc trưng cơ bản về thẩm quyền của Đại biểu Quốc hội (Nghị sĩ) ở các nước hiện nay. Xem thêm: Gröpl, Staatsrecht I, 3.Aufl., 2011, Rn. 292 ff., 301, 1018, 1134.


8. Nguyên bản Tiếng Đức: “Sie sind Vertreter des ganzen Volkes, an Aufträge und Weisungen nicht gebunden und nur ihrem Gewissen unterworfen“.


9. Nguyên bản Tiếng Pháp: “Tout mandat impératif est nul. Le droit de vote des membres du Parlement est personnel”.
10. Nguyên bản Tiếng Anh: “For any Speech or Debate in either House, they shall not be questioned in any other Place”.