Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

TÌNH HUỐNG PHÁP LÝ CÓ LỊCH SỬ HƠN MỘT THẾ KỶ Ở ĐỨC


Nguyễn Minh Tuấn

Tình huống pháp luật dưới đây đã có lịch sử hơn một thế kỷ ở Đức. Vào khoảng năm 1905, tức là 5 năm sau khi Bộ dân luật của Đức (1900) có hiệu lực, người ta bắt đầu tranh luận tình huống này. Trong lịch sử pháp luật ở Đức, đây được coi là một trong những tình huống pháp lý gây tranh luận nhiều nhất.
Tình huống đó như sau: 
Trong môt nhà hàng ở Hamburg của người chủ R, một người đàn ông tên là H đã mời người đồng nghiệp tên là B một món trai luộc (Austern). Trong khi thưởng thức món ăn, B phát hiện ra trong một con trai có viên ngọc trai (Perle) mà giá trị của viên ngọc trai này là một số tiền rất lớn thời điểm đó. Câu hỏi đặt ra: Ai là người sở hữu viên ngọc trai này? (Nguồn: Ch. Fahl, Sieben unterhaltsame Lektionen, 1. Aufl., 2010, S. 43f.)

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

TINH THẦN HIẾN PHÁP Ở ĐỨC

 

Nguyễn Minh Tuấn


Bức ảnh mà quí vị xem ở trên là bức ảnh miêu tả quang cảnh những buổi trao đổi, thảo luận về Hiến pháp tại  "nhà thờ thánh Paul" (Paulskirche/ St. Paul's Church) ở Frankfurt. Nhà thờ này được xem như là nơi khởi nguồn, là biểu tượng cho Tinh thần Hiến pháp ở Đức.  

Tại đây, ngày 28 tháng 3 năm 1849, bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước Đức đã được thông qua bởi một Quốc hội lập hiến mà thành viên là những nhà trí thức hàng đầu thời đó. Họ đã trao đổi rất kĩ lưỡng và kiến thiết ra một bản Hiến pháp dân chủ không thua kém bất cứ một bản Hiến pháp thành văn nào trên thế giới thời điểm đó. Có được thành quả ấy cũng bởi khi xây dựng Hiến pháp này, các nhà lập hiến đã ý thức được rằng Hiến pháp trước hết phải chứa đựng những giá trị pháp quyền, Hiến pháp sinh ra là để ghi nhận, bảo vệ quyền con người và chống lại sự lạm quyền của nhà nước.  (Xem: Edel/Thielmann, Rechtsgeschichte, 3. Aufl., 2003, Rn.526f.)

Đọc Hiến pháp này, người ta không khỏi ngạc nhiên và trân trọng những giá trị của nó, vì gần như tất cả các quyền tự do dân chủ mà hiện nay người Đức đang được hưởng đều đã được qui định một cách đầy đủ, chi tiết ở Chương VI của Hiến pháp như: quyền tự do ngôn luận (Điều 143), quyền tự do biểu tình (Điều 161), quyền tự do lập hội (Điều 162), quyền tự do tôn giáo (Điều 147), quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp (Điều 158), quyền tự do khoa học (Điều 152), quyền sở hữu tài sản, quyền tự do cư trú, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở (Điều 133), quyền bất khả xâm phạm về thư tín, quyền bình đẳng (Điều 137), các quyền tố tụng, liên quan đến việc bắt giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử (Điều 175), bãi bỏ hình phạt tử hình (Điều 139)... 

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

THUẾ THU NHẬP CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG Ở ĐỨC

Nguyễn Minh Tuấn
Nguồn:
Tạp chí Tia sáng, 

đăng ngày 21/9/2011 tại đây. (Quí vị quan tâm có thể tham khảo bài viết đầy đủ tại đây)


Ở Đức cũng như nhiều nước khác hiện nay, người lao động phải nộp thuế khá cao. Trung bình một người đi làm phải đóng các loại thuế và bảo hiểm từ 40 đến 60% thu nhập, tùy từng loại công việc. Việc người lao động phải đóng thuế, đóng bảo hiểm cao như vậy sẽ dẫn đến những hệ quả tích cực đối với hệ thống phúc lợi xã hội.

Dưới đây là bảng kê thu nhập của một người lao động ở Đức (số liệu hiện tại năm 2011) thu nhập trước thuế là 5.000 Euro. Ví dụ, với cấp độ thuế số 2 (Steuerklasse 2), cấp độ trung bình trong tổng số 6 cấp độ, nếu thu nhập trước thuế là 5.000 Euro, người lao động cuối cùng chỉ được nhận 2.819,84 Euro do phải đóng các loại thuế, bảo hiểm.(2) 

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

HỌC Ở HIẾN PHÁP NĂM 1946

 
Muốn xây dựng một nhà nước pháp quyền trước hết phải có một bản Hiến pháp dân chủ. Bản Hiến pháp dân chủ là bản Hiến pháp phải do toàn dân hoặc Quốc hội lập hiến thông qua và phải được đặt ở vị trí cao hơn nhà nước. Nói một cách khác muốn tránh lạm quyền thì quyền lực nhà nước phải bị giới hạn bởi chính bản Hiến pháp dân chủ đó. Trong lịch sử chúng ta đã từng có một bản Hiến pháp được xây dựng trên tinh thần dân chủ như thế đó là Hiến pháp năm 1946.
Ý kiến của tác giả Nguyễn Sĩ Dũng trong bài viết dưới đây một lần nữa khẳng định cần phải "học ở Hiến pháp 1946", học ở những giá trị lập hiến mà chúng ta đã có trong lịch sử từ cách đây hơn 60 năm. Rất nhiều những nhà khoa học khác cũng đã lên tiếng đồng tình với việc cần phải trở lại với những giá trị của Hiến pháp 1946, trở lại với những giá trị đích thực của Hiến pháp. 
Mong rằng quyền phúc quyết Hiến pháp của người dân sẽ được qui định và được hiện thực hóa trong lần sửa đổi Hiến pháp tới đây.  
Đất nước này là đất nước của hơn 90 triệu đồng bào. Vì thế xây dựng một nhà nước của dân thì không thể khác hơn nhân dân phải có quyền được phúc quyết Hiến pháp.
NMT

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

BẢN DỊCH TUYÊN NGÔN VỀ QUYỀN CỦA BANG VIRGINIA NĂM 1776

(George Mason [1725 - 1792] - đồng tác giả 
Tuyên ngôn về quyền của bang Virginia 1776)
Giới thiệu và dịch sang Tiếng Việt: Nguyễn Minh Tuấn

Virginia Declaration of Rights - Tuyên ngôn về quyền của bang Virginia năm 1776 là văn bản pháp lý quan trọng trong lịch sử pháp luật thế giới. Đây là văn bản pháp lý có tính khởi nguồn về quyền con người, khởi nguồn về phân quyền và là văn bản pháp lý có ảnh hưởng sâu sắc đến các văn bản pháp lý khác sau này như: Tuyên ngôn độc lập của Mỹ, Tuyên ngôn về quyền của Mỹ và Tuyên ngôn về quyền con người và quyền công dân của Pháp cũng như nhiều văn bản pháp lý khác.


Quá trình chuẩn bị cho bản Tuyên ngôn này bắt đầu từ đầu năm 1776, tại thời điểm mà cuộc cách mạng tư sản Mỹ chống thực dân Anh vẫn đang diễn ra và được thông qua vào ngày 12/06/1776. Những người có công lao lớn tham gia soạn thảo bản Tuyên ngôn này là George Mason, Thomas Jefferson and James Madison. Trong đó, người có công đặc biệt là George Mason - người đã soạn thảo các qui định bảo vệ các quyền tự do của con người và xác định rõ mục đích cơ bản của chính quyền.

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

15 NGHÌN ĐỒNG MỘT NGÀY CÔNG: GIÁO VIÊN SỐNG SAO ĐÂY?

Nguyễn Minh Tuấn
Sự việc ba mươi giáo viên trường mầm non xã Mậu Lâm,huyện Như Thanh, Thanh Hóa đồng loạt xin nghỉ việc với lý do là mức lương quá thấp vừa qua thực sự là một việc đau lòng. Theo bài báo, trung bình một giáo viên mầm non đứng lớp ngày hai buổi ở đây được nhận 15 nghìn đồng, cả tháng trừ tất cả các khoản phải đóng họ được nhận khoảng 500 nghìn đồng. 
 
Thưa quí vị, 500 nghìn đồng một tháng, số tiền ấy chưa bằng một nửa bát phở bò "Kobe" mà một người giàu tiêu chỉ cho một bữa sáng. 

Phàm là con người, không ai có thể uống nước lã, hưởng khí trời mà sống mãi. Tại sao một người lao động làm việc cả ngày cật lực như vậy mà chỉ được nhận 15 nghìn đồng? Thử hỏi với tình trạng lạm phát, đồng tiền mất giá như hiện nay, nếu là quí vị, quí vị sẽ uống gì, ăn gì và sẽ sống như thế nào với số tiền đó? quí vị có đủ tiền cho con ăn học, có đủ kiên nhẫn để tiếp tục say mê với công việc, với lý tưởng của mình không?

Hiện tại mức chênh lệnh giàu nghèo ở Việt Nam đã quá lớn, mà nguyên nhân trực tiếp không gì khác hơn là do tham nhũng, lãng phí và do người giàu phải đóng thuế nhưng đóng thuế thấp hoặc nhiều khoản thu nhập chưa phải đóng thuế. 

Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2011

ĐỘC LẬP MÀ DÂN KHÔNG ĐƯỢC HƯỞNG HẠNH PHÚC, TỰ DO THÌ ĐỘC LẬP CŨNG KHÔNG CÓ NGHĨA LÝ GÌ


Nguyễn Minh Tuấn

Sáu mươi sáu năm đã trôi qua kể từ ngày đầu tiên của nền độc lập non trẻ. Giá trị của độc lập là vô giá, không gì có thể so sánh được. Nhưng có một câu hỏi khác, thành quả đích thực mà nền độc lập đem lại cho người dân là gì? Với câu hỏi ấy, chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng trả lời rất thấu đáo và chính xác: "Nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì". (1)
 
Tự do” không phải là giá trị bất biến, tự nó luôn thay đổi theo thời gian và theo bối cảnh xã hội. “Tự do” của sáu mươi sáu năm trước hẳn sẽ khác với những giá trị của tự do ngày hôm nay. Ngày nay, nhân dân chỉ có được tự do đích thực khi nào mà quyền lực của nhà nước bị giới hạn bởi một bản hiến pháp dân chủ được phúc quyết bởi toàn dân, trong đó xác định rõ những quyền cơ bản, cũng như xác định rõ việc người dân có quyền được lựa chọn, quyền thay đổi Quốc hội, Chính phủ thông qua cuộc bầu cử chân chính.(2) Chỉ khi quyền lực nhà nước bị giới hạn, khi ấy những quyền tự do của người dân mới có điều kiện để được bảo vệ và hiện thực hóa.