Thứ Năm, 26 tháng 1, 2012

LUẬN VỀ TRÍ THỨC

Ảnh chụp dòng chữ in trên đường Thanh Niên, 
dịp Hà Nội có diễu hành kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội
Nguồn: Ảnh của Nguyễn Hồng Kiên.
Nguyễn Minh Tuấn

Về lý thuyết từ lâu trên thế giới người ta đã phân biệt hai khái niệm trí thức (intellectuals) và trí thức của công chúng (public intellectuals). Hiểu một cách khái quát nhất thì bất kỳ ai có cống hiến, làm giàu cho sự hiểu biết chung của nhân loại (life of mind) đều có thể được coi là trí thức (intellectuals). Một người được coi là trí thức của công chúng - public intellectuals, khi người trí thức ấy, ngoài chuyên môn của mình, còn là người trí thức dấn thân, người dùng cái TRÍ của mình để PHẢN BIỆN, DẪN DẮT, THỨC TỈNH XÃ HỘI.


Tuy nhiên đi vào cụ thể, vấn đề rắc rối nằm ở chỗ căn cứ vào tiêu chí nào để gọi là "trí thức", dựa vào mức độ nào để đo sự "cống hiến, làm giàu cho sự hiểu biết chung của nhân loại"? Căn cứ vào trình độ học vấn, khả năng nhận thức, công việc họ đang làm, đóng góp cụ thể về khoa học hay dựa trên sự phản biện xã hội, tinh thần dấn thân vì xã hội của người đó hay tất cả những tiêu chí đó?


Do tiêu chí không thống nhất nên thực tế rất khó để xác định. Chẳng hạn, có trường hợp một người xuất thân trong gia đình nhiều đời là nông dân, sau đó đi bộ đội, xuất ngũ về học đại học, rồi làm giáo viên, làm giáo viên một thời gian rồi ra ngoài làm giám đốc doanh nghiệp. Hoặc một người gốc gia đình là thương gia, sau đó làm giáo sư một thời gian, rồi sau chuyển hẳn sang làm chính trị, nhưng vẫn mang danh là Giáo sư. Hoặc một người là một giảng viên, nhưng đồng thời là Đảng viên, là nhà quản lý, ngoài ra người đó đồng thời còn điều hành một doanh nghiệp. Vậy họ có thuộc tầng lớp "trí thức" không? Hơn nữa, làm thế nào để xác định người nào được coi là "trí thức của công chúng", người nào thì không khi mà sự đóng góp của mỗi người, mỗi lĩnh vực, mỗi mức độ là rất khác nhau?

Sau khi hòa thượng thích học toán, GS. Ngô Bảo Châu chia sẻ ý kiến của mình trên Báo Tuổi trẻ đã có rất nhiều những ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau luận bàn về vấn đề thế nào là "trí thức". Tạm gác lại những khía cạnh khác, chỉ xét riêng về khía cạnh trao đổi thuật ngữ thì thấy có hai luồng ý kiến: Người thì đồng tình cho rằng trí thức là lao động trí óc, việc đánh giá là dựa trên kết quả, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội. Người thì phản đối cho rằng trí thức không chỉ là người chú trọng đến chuyên môn hẹp của mình, mà cần phải là một nhà khoa học có lương tri, nhìn thẳng vào thực trạng xã hội, dấn thân vì cộng đồng, phản biện, lên tiếng vì dân chủ, công bằng và tiến bộ xã hội.

Liên quan đến vấn đề này, tôi nghĩ không riêng gì "trí thức" mới lao động trí óc, không riêng gì "trí thức" mới tham gia phản biện xã hội. Hay nói cách khác, "lao động trí óc" hay "phản biện xã hội" không phải là độc quyền của riêng trí thức mà của tất cả mọi người. Đóng góp, phản biện, góp ý có tâm, có tầm, có ích cho xã hội của bất cứ ai, dù về vấn đề gì,  thì đều đáng quí, đáng hoan nghênh.


Một vấn đề nữa đặt ra là: có nên không khi cho rằng xã hội chỉ cần những "trí thức của công chúng" hoặc chỉ có những "trí thức của công chúng", những trí thức lên tiếng phản biện mới xứng được coi là trí thức?


Tôi nghĩ mỗi người vốn dĩ không ai giống ai, từng người tùy theo sức lực, khả năng, sự đam mê mà lựa chọn cách thức, con đường đi riêng cho mình. Những trí thức có cách cống hiến bằng chính kết quả lao động hoặc bằng những hành động cụ thể của mình góp ích cho xã hội thì đã là đáng quí. Những trí thức mà không những giỏi chuyên môn, ngoài ra còn thể hiện sự cảm thông trước nỗi đau của người dân, dám lên tiếng phản biện, dùng trí của mình để dẫn dắt, thức tỉnh xã hội thì lẽ dĩ nhiên sẽ còn đáng quí hơn. Như vậy, có thể thấy về bản chất giữa các khái niệm "trí thức" hay "trí thức của công chúng" theo tôi không hề có sự mâu thuẫn.
Phản biện xã hội thời nào cũng cần, vì đó chính là tác nhân quan trọng thúc đẩy xã hội phát triển. Tuy nhiên khi liên hệ với trường hợp Việt Nam cũng nên đặt ngược lại vấn đề liệu dư luận xã hội, thể chế ở Việt Nam đã đủ rộng lượng, đủ khoan dung, luật pháp Việt nam đã đủ thông thoáng để mở đường cho phản biện và tiếp thu phản biện chưa? Cần phải làm gì để cải thiện tình hình hiện nay và cần bắt đầu từ đâu?


Khái niệm "trí thức" thực chất suy đến cùng vẫn chỉ là một khái niệm định tính. Nếu không xác định hay thống nhất được nội hàm, ngoại diên và những tiêu chí cụ thể thì việc tranh luận sẽ là vô cùng và sẽ không thể có điểm dừng.


NMT
--------------------------------------------


Mời mọi người cùng đọc lại, tiếp tục suy ngẫm về những ý kiến khác nhau xung quanh chủ đề này:


GS. Ngô Bảo Châu:
GS. Ngô Bảo Châu trả lời Báo Tuổi trẻ: "Gần đây phong trào phản biện của giới trí thức ngày càng sôi nổi. Thậm chí người ta còn cho rằng người lao động trí óc sẽ chưa đạt tầm của một trí thức nếu chỉ biết làm công việc chuyên môn của mình mà chưa bộc lộ được năng lực phản biện xã hội. Giáo sư suy nghĩ thế nào về trách nhiệm phản biện xã hội của giới trí thức cũng như vai trò của giới trí thức trong xã hội? 
- Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm “trí thức”. Đến bao giờ chúng ta mới thôi thi đua để được phong hàm “trí thức”? Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội. Mặt khác, cần trân trọng những người trí thức, hoặc không trí thức, tham gia công tác phản biện xã hội. Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng.
Những người có học, có tri thức thật ra cần phải rất tỉnh táo khi tham gia việc phản biện xã hội. Học hàm, học vị không thể đảm bảo rằng cái anh nói ra là mặc nhiên đúng. Với thói quen làm việc khoa học của mình, cái mà anh có thể làm là đưa ra những lập luận vững chắc và có tính thuyết phục. Nhà lãnh đạo văn minh, có bản lĩnh sẽ biết lắng nghe những lập luận đó. Họ có thể làm theo hoặc không làm theo kết luận của anh. Trong trường hợp họ không làm theo, vẫn dưới giả thiết là lãnh đạo văn minh và có bản lĩnh, lãnh đạo sẽ phải đưa ra những lập luận ít nhất cũng vững chắc bằng những lập luận của anh để bảo vệ quyết định của mình.
Tôi quan niệm vai trò của trí thức là như vậy, anh ta có vai trò gây sức ép lên người lãnh đạo, nhưng cũng như lãnh đạo, anh ta không độc quyền chân lý.
...Cá nhân tôi thường tránh bàn luận các vấn đề mà tôi không biết rõ. Tôi quan tâm nhiều hơn tới những lĩnh vực mà tôi có thể trực tiếp tham gia hành động thay vì chỉ nêu ý kiến. Nhưng tôi cho rằng việc đưa ra các phản biện có lập luận chặt chẽ là những đóng góp lớn cho xã hội, cho đất nước của giới trí thức. Tuy nhiên, trước khi lên tiếng về một vấn đề nào đó, người trí thức hơn ai hết cần phải hết sức ý thức về ảnh hưởng của nó."



- GS. Nguyễn Huệ Chi: "Nếu anh cặm cụi với chuyên môn của anh, để anh làm ra một loạt sản phẩm cho xã hội, thì anh mới chỉ là một người chuyên nghiệp trong một chuyên ngành nào đấy thôi, chứ không phải là trí thức, hiểu theo nghĩa là người hiểu biết và dẫn dắt xã hội....Cho nên tôi nghĩ chính Giáo sư Ngô Bảo Châu mâu thuẫn, bị rơi vào mâu thuẫn, chứ thực ra thì anh ấy nói cũng không sai. Ngày xưa người ta gọi là trí thức trùm chăn. Tức là chỉ nằm trong tháp ngà, rồi nói những điều cao đạo, hoặc là chỉ làm những việc chuyên môn của mình để kiếm đồng tiền, kiếm lương...Nhưng đồng thời anh vừa là lương tri, vừa là ánh sáng của lương tri, mà vừa là nghĩa vụ mà do quá trình hình thành trí thức của anh, anh ý thức được - tức là nghĩa vụ đối với xã hội, nghĩa vụ đối với cộng đồng, thì anh phải làm việc hướng dẫn cộng đồng. Mà hướng dẫn cộng đồng, tất nhiên là anh phản biện. Mà phản biện thì anh phải phản biện trên tinh thần độc lập, không bị lệ thuộc vào bất cứ thế lực nào khác, thì đó mới là trí thức."


GS. Nguyễn Văn Tuấn: "Theo tôi, cái căn cước của người trí thức, do đó, không phải dựa vào công việc của họ, mà là thái độ và hành động, và những giá trị mà họ muốn gìn giữ, dấn thân...Để phân biệt trí thức với phi trí thức, có lẽ chúng ta phải xem thế nào là phi trí thức. Edward Said, một nhà trí thức nổi tiếng, từng nói đại khái rằng những người có học nhưng không phải là trí thức là những kẻ thụ động tinh thần. Họ chấp nhận một cách dễ dãi những gì được dạy. Họ không chịu nỗ lực suy nghĩ chín chắn về những vấn đề xã hội. Họ không có khả năng hình thành ý kiến độc lập với những gì được nhiều người công nhận. Họ có thể là một chuyên gia có kiến thức chuyên môn cao, nhưng kiến thức ngoài chuyên môn của họ thì tương đương với kiến thức của một người thường dân. Đó là đặc điểm của người không phải là trí thức nhưng có học cao và lao động chủ yếu dựa vào trí óc. 
Thế giới phương Tây còn có khái niệm trí thức của công chúng -- public intellectual. Họ là những người trí thức dấn thân vào những vấn đề xã hội công hơn là những vấn đề mang tính học thuật chuyên ngành. Khi các nhà khoa bảng viết và diễn thuyết trước một diễn đàn lớn hơn diễn đàn chuyên ngành của họ, thì người đó là một nhà trí thức công...


- Nhà giáo Phạm Toàn: "Tại sao một thông điệp hết sức sáng sủa, mạch lạc của giáo sư Ngô Bảo Châu lại bị rất nhiều người hiểu lầm, hiện tượng tâm lý đó rất cần được phân tích. Đây là quan điểm gốc đã được Ngô Bảo Châu nói trên Tuổi trẻ cuối tuần:Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. […] giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội.Nghĩ rằng ý tứ của mệnh đề gốc này thế là quá rõ: trí thức là người lao động (dĩ nhiên, đó là loại lao động trí óc) – và đã là người lao động thì phải làm ra sản phẩm (dĩ nhiên, đó là loại sản phẩm của trí óc, và thuộc chuyên ngành của mình).
Chỗ gây hiểu lầm ở đây là khi Ngô Bảo Châu làm cho bạn đọc hiểu rằng giá trị của người trí thức hình như chỉ là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, và không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội của nhà trí thức hết. Thực ra thì người trí thức bao giờ cũng có hai trách nhiệm – một trách nhiệm nghiệp vụ và một trách nhiệm xã hội, một trách nhiệm vật chất và một trách nhiệm tinh thần.
Cũng cần nói luôn rằng, trước việc gánh vác hai trách nhiệm đó, người trí thức được hoàn toàn tự do, và mọi người cũng không nên và càng không có quyền áp đặt cho người trí thức những nhiệm vụ (công việc) theo cách nghĩ chủ quan của mình.
"



- Nguyễn Quang Minh (Nauy): "Tôi hoàn toàn không đồng ý với quan điểm trí thức là người lao động trí óc. Tôi hiểu “lao động trí óc” ở đây là những người có bằng cấp đại học, công chức, nhà khoa học, chuyên gia … để phân biệt với những người làm việc chân tay (công nhân, nông dân, thợ). Trong thực tế, ai cũng sử dụng trí óc để làm việc. Người nông dân, người thợ máy, anh kỹ sư, chị bác sĩ đều sử dụng trí óc. Do đó, định nghĩa trí thức dựa vào bằng cấp và công việc e không ổn. Trí thức là một tấm gương sống, chứ không hẳn là người có bằng cấp. Tấm gương đó là dấn thân xã hội cho những mục tiêu cao cả và chấp nhận nguy hiểm cho bản thân. Trí thức là người có tầm nhìn đứng cao hơn tầm nhìn chuyên môn của một chuyên viên. Do đó, tôi cũng không đồng ý khi ông nói rằng phản biện xã hội không phải là tiêu chuẩn của một người trí thức. Đã là trí thức thì phải có tư tưởng độc lập và sẵn sàng lên tiếng phê phán, thậm chí phản kháng, một tư tưởng độc hại. Nhìn lại chặng đường Gs Châu đi đến nay, tôi thấy Gs Châu đi nhiều hàng, dân miền Nam gọi là đi chàng hảng. Dường như ông nói theo gió; gió chiều nào, lợi cho ông, ông đi, bất kể lề trái, lề phải hay giữa lề. Ông lấn sang lề cả con cừu và con sói. Thỉnh thoảng sa đà vào những chuyện PR, ban lời vàng ngọc cằn cỗi như các ông lãnh đạo trong chính phủ rất thiếu logic toán học."


- Nhà văn Nguyễn Quang Lập:
1. Ý kiến nhà văn Nguyễn Quang Lập trong bài viết "Gửi Ngô Bảo Châu": "Các nhà khoa học được coi là TRÍ THỨC hay không phải xét xem họ đã dấn thân trong cộng đồng và xã hội như thế nào, xưa nay đều thế cả....Phát biểu của Châu, dù vô tình đi chăng nữa, sẽ làm cho đám trí thức trùm chăn được thể vênh vang, tiếp tục trùm chăn kĩ hơn nữa, trong khi vẫn có cớ để dè bỉu và chỉ điểm những trí thức chân chính".


2. Ý kiến của nhà văn Nguyễn Quang Lập khi trả lời GS. Ngô Bảo Châu: "Điều đáng ngại là trong khi số người có tri thức và bản lĩnh dám đứng ra phản biện đã rất ít lại bị tấn công tứ bề. Nguy hiểm nhất vẫn là sự tấn công từ phía các ” trí thức trùm chăn”. Cái lý của số này rất đơn giản nhưng dễ ” ru ngủ” chính quyền và công chúng, đấy là: bọn phản biện chỉ là đám háo danh, một lũ già đã hết thời cố vớt vát tên tuổi của mình bằng cái sự nói ngược. Nói chung đám phản biện tư cách không ra gì, chúng nó không phải là trí thức hoặc là trí thức lỗi thời, không nên nghe chúng nó và nên dọn sạch chúng đi. Nếu Châu thấy đó là một thảm trạng bi hài ở nước ta thì Châu sẽ hiểu vì sao mình lên tiếng..."


- Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: “Làm cái gì trên đời này, nhà chính khách, nhà giáo, nghệ sĩ, nhà văn, hay giáo sư như Châu, hay một chị quét rác, điều quan trọng bậc nhất là trách nhiệm sống của mình với cộng đồng, ý thức cộng đồng Châu ạ. Trí thức trí thiếc bàn làm cái gì nếu anh ta (coi như trí thức ấy) bàng quan với cuộc sống nhân dân, thấy người dân khổ mà không xót, thấy bất công trắng trợn mà không màng lên tiếng, thấy kẻ cường hào mới đang chà đạp nhân dân, chà đạp pháp luật mà làm ngơ, trí thức ấy là trí ngủ, là trí giả, cũng chỉ là thứ danh hão…”.
- Trần Minh Khôi: "Trí thức là một quy chuẩn giá trị, không phải là một quy chuẩn nghề nghiệp. Một người lao động trí óc chỉ là một một chuyên viên, một công chức, một học giả, một nhà khoa học. Dù thành quả lao động của anh ta lớn đến đâu, đẳng cấp chuyên môn của anh ta cao đến đâu, nhưng anh ta vẫn không phải là trí thức cho đến khi thực hiện trách nhiệm xã hội của mình. Trong xã hội công dân, trí thức trước hết thực hiện trách nhiệm công dân, nghĩa là trách nhiệm bảo bệ các quyền căn bản, và sau đó là trách nhiệm đạo đức đối với xã hội của một người được hưởng đặc quyền và địa vị... Tiến trình hình thành tầng lớp trí thức ở Việt Nam, nghĩa là tiến trình trả lại đầy đủ ý nghĩa của khái niệm “trí thức”, song hành với tiến trình xây dựng một xã hội công dân, giới hạn quyền lực nhà nước và bảo vệ các quyền tự do. Nó đòi hỏi lòng dũng cảm và chính trực."


- Nhà báo Huy Đức: "Không ai phản đối việc GS Châu hợp tác với chính quyền. Vấn đề là, một nước nghèo như VN làm gì cũng phải tính thứ tự ưu tiên, đầu tư 631 tỷ cho viện toán trong khi tiền bạc đang cần hơn cho những đầu tư khác ở ngay chính trong lĩnh vực khoa học và giáo dục. Không nên nhắc chuyện cái nhà làm gì và tiền, thì nghe đâu Viện Toán chũng chỉ mới được giải ngân vài tỉ. Nhưng, khi GS vừa nhận giải Field, tôi viết trên FB, mong ông ở lại nơi mà ông có thể cống hiến nhiều nhất cho toán học. Trong thời đại ngày nay, những cống hiến có giá trị dù của ai và ở đâu cũng đều cần thiết cho người VN. Dù không làm ra, người Việt vẫn được hưởng lợi từ I phone của Steve Jobs và FB của Mark Zuckerberg. Thực ra, thành tựu của Ngô Bảo Châu hay Đặng Thái Sơn, đối với người VN, chỉ mới có giá trị ở mức độ tạo ra nguồn cảm hứng. Chính vì thế mà một tiếng nói của các anh ấy, không cẩn thận, nó có thể chuyển cảm hứng của công chúng đi theo một chiều hướng khác....Làm gì có thể có cái gọi là “khoa học cơ bản” trên một nền giáo dục không có căn bản. Cách làm của GS Châu lại là đào tạo gà nòi hoặc tạo ra vài công trình gây tiếng vang trong khi điều chúng ta cần là thay đổi hệ thống giáo dục đại học để tự thân nó có thể đẻ ra hàng chục cái viện như thế mà phi nhà nước."




- TS. Nguyễn Đình Đăng: Phải nói thẳng một cách sòng phẳng như thế này. Trong lịch sử nhân loại chưa có một chế độ độc tài nào lại tôn trọng trí thức. Độc tài và trí thức không khác gì lửa và nước. Tần Thủy Hoàng từng ra lệnh đốt Kinh Thi và Kinh Thư, chôn sống hơn 460 Nho sĩ. Sa Hoàng Nikolai Đệ Nhị từng căm ghét trí thức đến nỗi muốn loại bỏ từ “trí thức” khỏi từ vựng của tiếng Nga: “Trí thức là một từ ghê tởm,” ông ta nói. Nhà độc tài kế tiếp ông, lãnh tụ cộng sản Lenin còn tiến một bước xa hơn khi đã không ngần ngại sử dụng một trong những từ thiếu sạch sẽ nhất để gán cho trí thức: Lenin gọi trí thức là cứt. Trong thư gửi Maxim Gorky ngày 15/9/1919, Lenin viết: “Các lực lượng trí tuệ của công nông đang trưởng thành vững mạnh trong cuộc đấu tranh lật đổ tư sản và bọn đồng lõa, lũ trí thức – đầy tớ của tư bản, những kẻ tưởng mình là bộ não của quốc gia. Trên thực tế, bọn chúng không phải là bộ não mà là cứt.” [2].
Khác với từ intellectuals trong tiếng Anh, thường được dùng chủ yếu để chỉ những người có nghề nghiệp chuyên môn trong các lĩnh vực lao động trí tuệ nhằm phân biệt họ với những người lao động chân tay, khái niệm trí thức (интеллигенция) trong tiếng Nga được dùng cho tầng lớp của những người không đơn thuần chỉ có học và lao động trí óc, mà còn phải có tư duy phê phán, phải gánh vác những lý tưởng cao cả. Các tính năng chính của trí thức Nga trước cách mạng tháng 10 mang đặc thù của những cứu tinh trong xã hội, bao gồm: 1) sự quan tâm tới số phận của đất nước (trách nhiệm dân sự), 2) thái độ và hành động hướng tới phê bình xã hội, tới cuộc đấu tranh với tất cả những gì cản trở sự phát triển quốc gia (vai trò của những người gánh vác lương tâm xã hội), và 3) khả năng đồng cảm với những ai “bị xúc phạm và bị xỉ nhục” (cảm giác đồng cảm về đạo đức).
Vốn có truyền thống tự chịu trách nhiệm về tương lai của đất nước như vậy, nên một số trí thức Nga đã có ảo tưởng ngây thơ rằng họ có thể hợp tác với chính thể độc tài, thuyết phục những người cầm đầu để họ cải tổ theo chiều hướng tự do dân chủ. Họ chưa bao giờ thành công. Sau cách mạng tháng 10 Nga, các văn hào như Maxim Gorky và Vladimir Korolenko đã đích thân tới gặp Lenin với hy vọng thuyết phục ông ngừng khủng bố, nhưng họ đã thất bại.
....Tới đây tôi chợt nhớ tới ca từ trong một bài hát của nhóm hip hop Dead Brez:
Bạn muốn có một chiếc Lexus hay Công Lý?
Một ước mơ hay của cải?
Một chiếc BMW, một chuỗi hạt xoàn, hay Tự Do? [9]
Ca từ này đúng hơn bao giờ hết tại Việt Nam đương đại. Rõ ràng bạn không thể vừa được người ta cấp xe sang (hay tặng nhà to) lại vừa có Tự Do (hay Công Lý). Bạn chỉ có thể chọn một trong hai thứ đó. Lập luận rằng cưỡi xe BMW mới tiến được hoặc tiến nhanh hơn tới Công Lý (hay Tự Do) là ngụy biện, tự dối mình và lừa dối người khác. Đặc biệt, nếu bạn là một người lao động trí óc theo một chuyên môn nào đó, việc bạn chọn cái gì sẽ tự động xếp bạn vào hàng ngũ những “trí thức dự khuyết”, hay vào đám học giả xu thời đang ngày càng lạm phát trên đất nước này.
"



-Giản Tư Trung: "Vai trò của những người có hiểu biết là: dùng sự hiểu biết (và cả uy tín) của mình để góp phần giúp cộng đồng phân định rõ hơn sự đúng-sai, phải trái, chân-giả, thiện-ác, hay-dở, tốt-xấu, nên-không nên… trước những vấn đề chung mà xã hội đã, đang và sẽ gặp phải hay trải qua; dùng sự hiểu biết của mình để truyền bá tinh thần, tư tưởng, quan điểm mà mình tin là cần thiết để góp phần thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng tiến bộ; dùng sự hiểu biết của mình để góp phần xác lập những chuẩn mực xã hội, những thang giá trị xã hội và đồng thời ra sức bảo vệ những chuẩn mực và giá trị đó; dùng sự hiểu biết của mình để góp phần định hướng, định hình xã hội… Tất nhiên sự phân định, sự truyền bá, sự xác lập hay sự định hướng, định hình này cũng cần phải dựa trên cái nền là những giá trị vượt không gian và vượt thời gian, những giá trị có tính phổ quát của thế giới đương đại hay thế giới tương lai....với trách nhiệm “thức tỉnh xã hội” thì trí thức cũng có một trách nhiệm với bản thân là liên tục “phản tỉnh chính mình”, phản tỉnh với những điểm mù (nếu có) của mình. Nếu không liên tục “phản tỉnh chính mình” hay thậm chí là “phản tư chính mình” thì người hiểu biết sẽ dễ trở thành người ít hiểu biết hay người ấu trĩ trong một số vấn đề (kể cả những vấn đề thuộc chuyên môn hay sở trường của mình), và khi đó sẽ không chỉ khó thực hiện được tốt cái vai trò “thức tỉnh xã hội” vốn có của mình, mà còn có thể gây nguy hại cho xã hội."


- Tô Hải: "1-/ Hãy tôn trọng và bao dung hơn đối với những ai đã từng có lần dám mở miệng phản biện những gì xét thấy là bất công, là vô lý, là coi thường mạng sống, số phận người dân, nhất là đối với việc bảo vệ chủ quyền đất nước, kể cả xuống đường biểu tình (dù chỉ một lần rồi thôi)
2-/ Hãy tin rằng: Trong số “trí ngủ” đang chiếm đa số đó, không thiếu những người chỉ cần một ngọn lửa kích hoạt nhỏ cũng không ngại sắn tay áo làm bốc lên một đám cháy lớn…
3-/ Nếu cần vạch mặt chỉ tên thì hãy đánh thẳng vào bọn “trí trá” cho đến hôm nay vẫn không ngừng rêu rao: Bọn chúng là đỉnh cao trí tuệ của con Lạc cháu Hồng .
...

Xin đừng bắt ai cũng phải “xung phong!” trong khi trong tay họ chỉ có cái bút, cái nồi, cái xoong, cái chậu để đuổi con voi dữ đang hung hăng tàn phá vườn nhà!"




-------------------------------
- GS. Chu Hảo: "Trước sau gì thì những cái tốt đẹp cũng sẽ dần dần tới, mọi sự cuộc sống đều sẽ đổi thay. Tất cả mọi sự tốt đẹp bao giờ cũng ở phía trước...Trong điều kiện ấy thì một đảng cũng được, hai đảng cũng được. Một đảng cộng sản Việt Nam cũng được nếu mà bảo vệ và tạo điều kiện ấy, thì sẽ tạo được một tầng lớp trí thức....Tôi có một nhận xét chung là những tiếng nói chung của giới tạm gọi là trí thức, những người hoạt động chính trị - xã hội đã nghỉ, các tướng lĩnh... chưa được chú trọng một cách thật đầy đủ. Đặc biệt chưa có sự đối thoại."


- Nhà văn Phạm Thị Hoài: "Đối lập trung thành tại Việt Nam là ai? Theo quan niệm của tôi, họ là những người không hài lòng với hệ thống chính trị trong nhiều vấn đề lớn, công khai phản biện và tìm giải pháp thay đổi trong phạm vi các vấn đề đó, nhưng không đụng chạm, hay tránh đụng chạm đến nền tảng tồn tại của hệ thống."


- Nhà văn Võ Thị Hảo: "...Theo tôi gọi là 'phản biện nhưng trung thành' thì đúng hơn. Vì những người như anh Chu Hảo chẳng hạn hay là một số người khác, họ chưa phải là người đối lập. Họ là người phản biện. Và rất là quý ở chỗ họ là người phản biện và có lương tri...Họ đã không thể không lên tiếng. Mặc dù lên tiếng thì thiệt hại hơn và không lên tiếng thì có lợi hơn. Họ vẫn né tránh những vấn đề ảnh hưởng đến nền tảng xã hội."


- Lữ Phương: "Thật sự thì khái niệm “đối lập trung thành” đã có nguồn gốc từ nghị viện nước Anh quân chủ vào thế kỷ 19: “đối lập” ở đây là đối lập với đảng đa số đang cầm quyền, còn “trung thành” ở đây là trung thành với vị Vua đang trị vì, cho nên tên gọi đầy đủ của khái niệm là “Her (or His) Majesty's Most Loyal Opposition” (còn được gọi là “The Official Opposition”). Nội dung này về sau đã được khái quát hoá thành một khái niệm chính trị có tính chất định chế trong các nước theo thể chế dân chủ đa đảng: các đảng thiếu số có quyên tồn tại và được luật pháp bảo vệ để tham gia nghị trường với tư cách đối lập với đảng đương quyền, qua sự phản biện các chính sách đang thực hiện, đưa ra đường lối mới hy vọng thay thế đảng đương quyền trong kỳ bầu cử sắp tới. Trung thành bây giờ không phải trung thành với bất cứ thực thể cụ thể nào mà là với những nguyên lý tạo nền cho một thể chế dân chủ đích thực....Chừng nào thì hành vi phản biện mạnh mẽ nói trên có khả năng chuyển hoá thành một xu hướng chính trị có tổ chức mệnh danh là “đối lập trung thành” theo đúng nguyên nghĩa của nó?"
....


NMT (Tổng hợp)