Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

SÁCH LUẬN VỀ SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992



Sách: Luận về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (Sách tham khảo),
Nhóm tác giả: TS. Võ Trí Hảo (chủ biên), TS. Đặng Minh Tuấn, 
TS. Bùi Ngọc Sơn, ThS. Nguyễn Cảnh Bình, TS. Nguyễn Minh Tuấn; Nhà xuất bản chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà nội, 2013.

"Hưởng ứng lời kêu gọi đóng góp ý kiến cho việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhóm tác giả đã phối hợp viết một chuỗi bài có sợi chỉ đỏ liên kết, xuất phát từ nhận thức mới nhất quán về bản chất Hiến pháp là khế ước xã hội, quyền lập hiến thuộc về nhân dân, đánh giá nhu cầu sửa đổi Hiến pháp của xã hội, bối cảnh toàn cầu hóa, soi rọi từng chế định của hiến pháp hiện hành dưới góc nhìn mới, bối cảnh mới.

Khi bắt đầu chuỗi bài, nhóm tác giả không đặt trọng tâm hướng vào sửa đổi câu chữ của từng điều khoản Hiến pháp, mà hướng vào thay đổi quan niệm của công chúng về Hiến pháp, làm cho Hiến pháp trở nên gần gũi với cuộc sống, bởi vậy chuỗi bài này sử dụng hình tượng thân thuộc, ngôn ngữ bình dân để lý giải, chuyển tải các nội dung của Hiến pháp học; hạn chế tối đa thuật ngữ pháp lý chuyên ngành một cách trừu tượng. Thay vì công bố trên các tạp chí luật học chuyên ngành, nhóm tác giả lựa chọn các tờ báo đại chúng như Vietnamnet, Nghiên cứu lập pháp, Thời báo Kinh tế Sài gòn, Tia sáng, Khoa học và đời sống...

Chuỗi bài có tính chất mới ngay từ những người chắp bút: việc được đào tạo ở Việt Nam, Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Hồng Kông đã giúp nhóm tác giả luôn có sự đối chiếu, so sánh với các nền luật học tiên tiến trên thế giới khi phân tích bất kỳ một vấn đề Hiến pháp nào đó của Việt Nam.
Chuỗi bài tập trung góp thêm những góc nhìn mới về các vấn đề sau:
- Chủ quyền lập hiến, bản chất, chức năng của Hiến pháp; qui trình sửa đổi Hiến pháp;
- Vai trò của Hiến pháp trong thúc đẩy xã hội phát triển;
- Các nguyên lý kinh tế - hiến pháp, vật lý - hiến pháp; tin học - hiến pháp trong việc thiết kế mô hình Hiến pháp cho từng quốc gia;
- Quyền lực tư pháp và sự cần thiết của tài phán Hiến pháp;
- Bối cảnh hòa bình và sự đòi hỏi sự chuyên nghiệp hóa hoạt động của Quốc hội;
- Nguồn gốc của tình trạng tham nhũng: quyền lực không được kiểm soát đúng mức.
Góp phần tạo nên chuỗi thành công là sự trao đổi góp ý lẫn nhau giữa các tác giả cho mỗi bài viết trước khi gửi tới tòa soạn để công bố. Để có được kết quả này, không thể không nhắc đến sự cổ vũ của bạn bè, đồng nghiệp, độc giả quan tâm đến Hiến pháp học và đặc biệt là sự giúp đỡ của các báo, tạp chí trong bước đi thăm dò ban đầu."

Thay mặt tập thể tác giả
TS. Võ Trí Hảo